Làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) đã được hình thành cách đây hơn 200 năm và tồn tại đến ngày nay. Nghệ nhân nổi tiếng nhất làng nghề này là ông Nguyễn Văn Mến (còn gọi là Năm Mến). Dẫn chúng tôi đi thăm làng trống, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lãng, tự hào: “Do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên nhiều làng nghề dần mai một song làng trống Bình An vẫn trụ vững và phát triển. Ông Năm Mến là người góp công không nhỏ”.
Khắt khe với bản thân
Từ đầu ngõ nhà ông Mến, chúng tôi đã nghe được những tiếng thử trống liên hồi, tiếng đục, đẽo vang đều, tiếng thợ gọi nhau í ới. Trong nhà, ông Năm Mến đang dùng dao lạng miếng da trâu to đùng trải dưới nền đất. Ở tuổi ngoài 60 nhưng thao tác của ông vẫn hết sức nhanh nhẹn, chẳng mấy chốc miếng da trâu đã được làm phẳng, chuẩn bị cho công đoạn căng miệng trống.
Lơi tay vài phút và rót nước mời khách, ông Năm Mến bộc bạch: “Cái nghề này coi vậy chứ kén người làm. Để trống kêu to, vang xa và bền chắc đòi hỏi người thợ phải chỉn chu ở tất cả các công đoạn”. Dứt lời, nhác thấy một người thợ căng miếng da trâu làm mặt trống chưa đúng kỹ thuật, ông liền quay sang nhắc nhở và thị phạm ngay. Trong vòng chưa đầy nửa giờ, nhờ hướng dẫn của ông, miếng da trâu được những người thợ kéo căng, phủ đều miệng trống trong sự thán phục của khách.
Ông Mến là vậy, luôn khắt khe và đòi hỏi cao ở tay nghề người thợ. Được cha là ông Nguyễn Văn Tình - một nghệ nhân có tiếng - truyền nghề từ nhỏ nên ông Mến hấp thu nhanh kỹ thuật làm trống. Vốn sáng dạ, lại thừa hưởng sự khéo tay của cha nên ông không mất quá nhiều thời gian để học nghề. Từ khâu đơn giản nhất như bào gỗ, chọn mua da trâu đến bịt trống, ông Mến nắm bắt khá nhanh. Theo ông, để làm ra một cái trống có chất lượng, phải coi trọng việc chọn mua nguyên liệu (gỗ và da trâu). Gỗ làm trống chủ yếu là gỗ sao, mít, giá khá cao nên phải đặt mua trước. Còn da trâu, ông phải thức từ 2 giờ lặn lội đến các lò mổ ở huyện Hóc Môn (TP HCM) mua về, xử lý qua nhiều công đoạn trước khi đem phơi khô. “Nhất thiết phải chọn da của trâu già và còn tươi thì khi căng trống nghe mới hay” - ông Mến cho biết.
Rạng danh trống Việt
Khách hàng quen thích đặt mua trống ở lò ông Năm Mến bởi có mẫu mã đa dạng, nhất là độ bền cao. Với ông, ngoài sự khéo léo, chữ tín phải được người thợ đặt lên hàng đầu, nếu muốn trụ lại lâu dài với nghề. “20 công đoạn làm ra một chiếc trống đòi hỏi nhiều ở sự kiên nhẫn và óc sáng tạo của người thợ. Mỗi cái trống làm ra phải có bản sắc riêng và điều đó phụ thuộc vào tay nghề của người thợ” - ông Mến nói.
Nhiều ngày theo chân ông Mến chọn mua gỗ, rồi quan sát cách ông uốn thùng, căng da trâu, chúng tôi cảm nhận được phần nào nhiệt huyết ở ông. Nhìn cách ông tỉ mỉ hướng dẫn thợ hơ trống dưới than để làm khít các thanh gỗ mới thấy sự chỉn chu trong nghề ở nghệ nhân này. Gặp những khách hàng khó tính, ông tự tay căng da trống và trang trí các họa tiết. Chính ý thức trách nhiệm với nghề ấy ở ông Mến đã làm nên uy tín thương hiệu cho sản phẩm. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nghệ nhân trong làng cho biết họ phục ông Mến nhất ở khả năng cảm âm. Được thực hiện kỹ ở từng công đoạn nên những chiếc trống do ông Mến làm ra đều có âm thanh trầm bổng rất hay, hơn hẳn trống ở lò khác. Hỏi bí quyết, ông Mến chỉ cười: “Bí quyết của tôi chính là cứ để tâm hết vào nghề”.
Làng trống Bình An hiện có khoảng 20 hộ, phần lớn là họ hàng thân thích. Cũng như những hộ làm trống khác, gia đình ông Mến sản xuất khá nhiều loại trống như trống đại, trống đình, trống rồng, trống nhạc lễ, trống trường học... Trống múa lân được khách hàng ưa chuộng và đặt mua nhiều nhất. Ông Mến chia sẻ: “Nhiều khi hàng nhiều nên cả gia đình phải làm đến khuya mới kịp giao cho khách. Tuy vất vả nhưng vui vì họ đã tin tưởng đặt mình làm”. Tiếng lành đồn xa, không chỉ có khách hàng trong nước, trống của ông còn được Việt kiều đặt mua.
Dốc hết tâm huyết với nghề, mỗi năm gia đình ông có thể kiếm được khoảng 100-200 triệu đồng. Năm 2012, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao đông hạng ba vì những thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đặt tên 2 đứa con là Bình và An, ông Năm Mến kỳ vọng nhiều vào thế hệ mai sau sẽ tiếp tục kế thừa và làm rạng danh làng trống của quê cha đất tổ. “Tôi hạnh phúc khi được góp công duy trì nghề truyền thống mà ông bà để lại và tin rằng làng trống Bình An tiếp tục phát triển” - ông bộc bạch.
Bình luận (0)