Hơn 1 tháng qua, nhiều người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cả nước đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và các chính sách hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
274.610 lao động được hỗ trợ
BHXH Việt Nam cho biết triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới NLĐ và NSDLĐ, tính đến hết ngày 12-8, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 238 đơn vị với 41.425 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 292,3 tỉ đồng tại 35/63 tỉnh, thành.
BHXH Việt Nam cũng đã xác nhận danh sách cho 274.610 lao động của 15.179 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 60/63 tỉnh, thành. Trong số này có 178.280 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương của 14.044 đơn vị; 15.230 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 526 đơn vị. Cùng đó, có 170 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 2 đơn vị; 34.345 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 362 đơn vị, được NSDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc. "Có 32.140 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 124 đơn vị và 14.445 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 121 đơn vị" - BHXH Việt Nam thông tin. Bên cạnh đó, cơ quan này đã thực hiện xong việc gửi thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) khoảng 4.322 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Kim Thúy (bìa trái), Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng thực phẩm cho công nhân ở trọ. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ngoài những đối tượng nêu trên, các chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em, cho các đối tượng là F0, F1; chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch... cũng được triển khai nhanh chóng. Ðặc biệt, chủ trương giao nhóm lao động không có giao kết hợp đồng và một số đối tượng khác cho địa phương tự triển khai được xem là đúng đắn và có hiệu quả. Có 37/63 tỉnh, thành phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (có khoảng hơn 100.000 người bán vé số lưu động). Trong đó, 20/63 tỉnh, thành (chủ yếu ở khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ hơn 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỉ đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỉ đồng...
Đề xuất "phủ" vắc-xin Covid-19 cho công nhân
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với các địa phương, ông Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB-XH), đánh giá cao công tác triển khai tại các địa phương, nhiều địa phương đã triển khai giải ngân với số tiền lớn, như: Hải Dương 107 tỉ đồng, Bắc Ninh 75 tỉ đồng, Bắc Giang 63 tỉ đồng, Thanh Hóa 74 tỉ đồng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LÐ-TB-XH cũng chỉ ra sự chậm trễ trong triển khai chính sách tại một số địa phương và yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại, học hỏi cách làm mới với nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, không được tăng thời gian về xử lý quy trình. Lãnh đạo Bộ LÐ-TB-XH yêu cầu các tỉnh, thành chia thành 3 nhóm: thứ nhất, các tỉnh ít bị ảnh hưởng dịch Covid-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt và các chính sách liên quan BHXH. Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ: nhóm hỗ trợ tiền mặt khẩn trương triển khai; đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn, hoãn, miễn đóng từ BHXH và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay. Riêng nhóm 26 tỉnh, TP đang thực hiện Chỉ thị 16, phương châm lúc này là tập trung cái ăn, mặc cho NLÐ trên nguyên tắc bảo đảm người dân không bị thiếu đói. Bộ trưởng Bộ LÐ-TB-XH đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở - ngành, UBND cấp huyện - xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện DN, các hiệp hội DN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Chính phủ ngoài việc chăm lo tiêm vắc-xin cho lực lượng ưu tiên cần thực hiện ngay việc hỗ trợ, tập trung tiêm vắc-xin cho khu vực tăng trưởng; công nhân KCN, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao và đội ngũ chuyên gia bởi đây chính là nền tảng để tăng trưởng.
Chi trả tiền hỗ trợ qua tài khoản
Bộ LĐ-TB-XH vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam, đời sống NLĐ đang gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải thực hiện nhanh chóng, linh hoạt các chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở tiếp nhận thông tin phản ánh của các địa phương đối với vướng mắc trong việc NLĐ và NSDLĐ không thể trực tiếp thỏa thuận bằng văn bản do điều kiện giãn cách, phong tỏa, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương thống nhất tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đối với NLĐ và NSDLĐ. Cụ thể, về thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trường hợp NSDLĐ và NLĐ có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó. Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì NSDLĐ ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột "Ghi chú" tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định 23 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến chính sách để NSDLĐ biết, sớm lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho NLĐ; nhanh chóng triển khai chi trả thông qua tài khoản ngân hàng hoặc trực tiếp tới NLĐ, đặc biệt là tại những DN có số lượng lớn NLĐ đang ở khu vực bị cách ly, phong tỏa hoặc đã về quê, hiện rất cần sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để duy trì cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt theo các quy trình quy định tại điều 16 và các điều khoản khác có liên quan trong Quyết định 23, tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ, NSDLĐ sớm tiếp cận và được thụ hưởng chính sách.
Bình luận (0)