Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều thống nhất với dự thảo nghị định trong việc xác định nguyên tắc đối với quản lý nợ BHXH, BHYT, BHTN gồm: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý nợ; bảo đảm dễ dàng, tạo thuận lợi trong việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ trong các đơn vị nợ...
Một vụ giám đốc doanh nghiệp bỏ trốn tại TP HCM ẢNH: MINH HỌA
Nhằm tăng cường công tác quản lý thu hiệu quả ngay từ đầu, nhiều ý kiến đề nghị cần gắn kết hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Theo đó, bảo đảm quản lý, đôn đốc đơn vị ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động để hạn chế, khắc phục tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN sau này.
Riêng vấn đề giải quyết quyền lợi về BHXH cho NLĐ trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đơn vị có chủ bỏ trốn mà còn nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, nhiều ý kiến thống nhất với quy định trong dự thảo nghị định - nguồn kinh phí bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ tại các đơn vị này được lấy từ tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo Luật BHXH năm 2014. Nhiều ý kiến còn đề nghị bổ sung điều khoản "Giao Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thành lập quỹ để bảo đảm nguồn tài chính xử lý nợ ngoài nguồn kinh phí nêu trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ về chế độ BHXH, BHYT, BHTN".
Dự thảo nghị định gồm 4 chương và 16 điều, đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến đóng góp trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Bình luận (0)