Tỉnh Đồng Nai hy vọng đến năm 2020 sẽ có 20.000 căn nhà ở xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Đồng Nai có nhiều kiến nghị lên Chính phủ.
Thu nhập thấp khiến công nhân khó an cư
Gia đình ông Phùng Ngọc Đồng (khu phố 1, phường Long Bình, TP. Biên Hòa) có 18 phòng trọ. Những phòng trọ này được xây dựng từ 18 năm trước. Đa phần những người ở trọ đều gắn bó lâu năm với khu trọ này. Vì vậy, ông lấy mức giá rất bình dân (từ 500 đến 700.000 đồng/tháng).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thăm khu nhà trọ của hộ ông Phùng Ngọc Đồng (KP. 1, phường Long Bình, TP Biên Hòa)
Ngoài việc cho thuê phòng với giá rẻ, ông còn hỗ trợ người ở trọ bằng cách thu tiền điện, nước bằng với giá của Nhà nước. Có rất ít chủ nhà trọ như ông Đồng. Hầu hết công nhân (CN) đều phải đi ở trọ với mức giá từ 900.000 đồng/tháng trở lên. Nhiều chủ nhà trọ còn thu tiền điện, nước với giá cao hơn mức quy định. Đến thăm và trò chuyện cùng ông Đồng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn cá nhân ông Đồng cũng như các chủ nhà trọ đã hỗ trợ nơi ở cho người lao động (NLĐ) nhập cư, trong điều kiện thiếu nhà ở xã hội.
Dù có khu nhà trọ cho thuê nhưng ông Đồng vẫn mong muốn Chính phủ quan tâm đến công nhân bằng cách xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội. Theo ông Đồng, người lao động nhập cư "đổ" về Đồng Nai ngày càng đông. Trước đây, đối tượng lao động này chủ yếu là người dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhưng hiện nay còn có rất đông người dân từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đa số đời sống của họ rất khó khăn và hầu như không có khả năng thoát "kiếp" ở trọ. Chỉ một số rất ít CN có tay nghề cao, mức lương khá thì mới có thể tích cóp mua được đất với diện tích nhỏ.
Chia sẻ về nguyện vọng này, Phó thủ tướng cho biết, thực tế việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là rất khó khăn. Ngay cả tỉnh Bình Dương là nơi làm tốt công tác xây dựng nhà ở xã hội thì mức giá bán căn hộ cũng tầm 200 triệu đồng, CN khó có thể mua được. Vì vậy, trước mắt, để giải quyết chỗ ở cho CN vẫn phải dựa vào các chủ nhà trọ. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có hơn 15.000 hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ với khoảng trên 150.000 phòng trọ, giải quyết chỗ ở cho khoảng 450.000 lao động.
Nhà trọ công nhân chưa đạt chuẩn
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Đồng Nai có khoảng 700.000 lao động nhập cư. Trong đó, chỉ có khoảng 20.000 công nhân được ở trong các khu nhà ở do các doanh nghiệp (DN) xây dựng. Còn lại chủ yếu CN phải thuê nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình xây dựng. Các nhà trọ nhìn chung đáp ứng về tiêu chuẩn diện tích (5m2/người) nhưng chưa đảm bảo về các yếu tố: Giao thông thông thoáng, cấp thoát nước, an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Theo khảo sát nhu cầu nhà ở CN, giai đoạn từ nay đến năm 2020 thì số CN có nhu cầu về nhà ở xã hội là khoảng 190.000 người. Trong đó, CN khu công nghiệp là khoảng 139.000 người; công nhân ngoài các khu, cụm công nghiệp là 51.000 người. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội. Đến nay, tỉnh đã giới thiệu 39 dự án nhà ở xã hội với quy mô trên 166 ha, quy mô trên 25.000 căn hộ, có khả năng bố trí cho trên 100.000 người. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành được hơn 2.700 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho trên 10.000 CN. Ngoài ra, đến nay tỉnh cũng đã chuẩn bị quỹ đất công khoảng 237 ha để tiếp tục giới thiệu cho các nhà đầu tư. Nếu đưa vào sử dụng hiệu quả quỹ đất này để xây dựng nhà ở xã hội thì đến năm 2025 có thể đáp ứng cho khoảng 300.000 chỗ ở cho NLĐ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm hỏi đời sống của chị Thạch Thị Út Tám (ở trọ tại khu phố 3, phường Long Bình)
Về nhà trọ đạt chuẩn (còn gọi là nhà ở xã hội do hộ gia đình và cá nhân xây dựng), giai đoạn 2016 - 2020, tất cả nhà trọ xây dựng đều phải xin phép xây dựng và đạt chuẩn tối thiểu theo quy định. Dự kiến, đến năm 2020, có 80% nhà trọ đạt chuẩn theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Việc quy hoạch đất đai đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị nhưng việc xây nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu là về nguồn vốn vay ưu đãi. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc mời gọi đầu tư. Một số dự án đang triển khai cũng thực hiện chậm lại, do cả chủ đầu tư và người mua nhà đều chưa vay được vốn.
Trên cơ sở thực tế, tỉnh Đồng Nai có nhiều kiến nghị để Trung ương tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Chính phủ cần hướng dẫn áp dụng mức thuế suất VAT và thuế thu nhập DN cho phần 20% diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thương mại hoặc 20% diện tích sàn nhà để bán, cho thuê, thuê mua theo giá kinh doanh thương mại. Đề nghị bổ sung đối tượng vay vốn ưu đãi là các trường hợp: các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự mua nhà ở để bố trí cho người lao động của DN mình ở (các DN này không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội cùng loại). Sớm chỉ định các tổ chức tín dụng cho vay để chủ đầu tư và người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi (theo Khoản 2, Điều 17, Nghị định 100/2015/NĐ-CP)…
Bình luận (0)