Theo báo cáo mới nhất của Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH, nếu như năm 2009, cả nước chỉ có 5,993 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số thu hơn 3.500 tỉ đồng, thì đến hết năm 2012, đã có hơn 8,3 triệu người tham gia (số thu hơn 7.973 tỉ đồng). “Số lượng người tham gia BHTN ngày càng đông song chính sách BHTN sau 4 năm vận hành đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí đang trở thành rào cản trong quá trình tổ chức thực hiện”. Ông Ngô Sỹ Thắng, Phó trưởng Phòng Cơ chế chính sách Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định như vậy tại hội thảo “Công đoàn tham gia xây dựng chính sách BHTN trong Luật Việc làm” tổ chức mới đây.
Nhiều khiếm khuyết
Quy định về trình tự thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cũng gây khó khăn cho NLĐ. Ở nhiều địa phương, NLĐ phải đi lại nhiều lần, chậm được nhận TCTN. Bất cập khác là mức hỗ trợ học nghề còn thấp; quy định về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đối với NLĐ đang đóng BHTN chưa có; người thất nghiệp đã đóng BHTN nhưng chưa đủ điều kiện hưởng cũng chưa được hỗ trợ. Đại diện LĐLĐ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương bày tỏ lo lắng về cơ chế phát hiện, xử lý các vấn đề vi phạm, nhất là hành vi trục lợi BHXH.
“Sự bất cập từ đối tượng tham gia, quy trình đóng và hưởng BHTN; trách nhiệm pháp lý của NLĐ, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý và giải quyết chính sách... khiến chính sách BHTN chưa bảo đảm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội” - ông Trần Văn Tư, Trưởng Phòng Cơ chế chính sách Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận.
Không để NLĐ thiệt thòi
Cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN đến NLĐ có hợp đồng từ 3 tháng trở lên và NLĐ làm việc ở các đơn vị sử dụng dưới 10 lao động là kiến nghị của đại diện nhiều địa phương. Ngoài ra, theo các chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cần xem lại chính sách đối với nhóm lao động “chủ động nghỉ việc” để hạn chế tình trạng “trục lợi” quỹ BHTN.
Về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề đối với NLĐ đang đóng BHTN bằng nguồn quỹ BHTN được quy định tại điều 37, 38 và 39 của dự thảo Luật Việc làm, bà Nguyễn Trần Phượng Trân không đồng tình: “Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ để phù hợp với công nghệ mới là trách nhiệm của DN. Nếu áp dụng, quỹ BHTN không đủ khả năng chi trả”.
Về mức TCTN, theo các đại biểu, quy định 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp rất khó bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLĐ. Các đại biểu dẫn chứng: Đa số DN đóng BHTN theo mức lương tối thiểu, trong khi mức lương tối thiểu hiện nay không bảo đảm mức sống tối thiểu. Cần nâng mức TCTN lên 75%.
Theo bà Ngô Thị Loan, điều phối viên các dự án BHTN của ILO tại Việt Nam, chính sách BHTN chỉ có ý nghĩa thực sự khi đáp ứng tốt nhất quyền của người tham gia và chi trả phải phù hợp với nhu cầu sinh kế của cá nhân và gia đình. |
Bình luận (0)