Thời gian gần đây, mỗi tháng Công ty TNHH W.V (quận 12, TP HCM) có khoảng 30 công nhân (CN) xin nghỉ việc gây thiếu hụt lao động, doanh nghiệp (DN) phải tuyển người thường xuyên để đáp ứng tiến độ sản xuất. Theo bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, ngoài việc nghỉ để rút BHXH một lần nhằm tránh tác động của chính sách khi Luật BHXH mới được thông qua, còn có lý do đến từ sự bất cập của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Bài toán của người lao động
Bà Lĩnh cho hay nhiều người lao động (NLĐ) làm việc lâu năm, cho rằng khi đã đóng BHTN trên 12 năm thì chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tối đa 12 tháng, số năm đóng dư không được tính và bảo lưu, nên nếu đi làm tiếp tục đóng sẽ thiệt thòi. Do vậy, họ nghỉ việc để kết hợp hưởng 2 chế độ BHXH một lần và TCTN.
Bên cạnh CN lâu năm, có một số lao động chỉ mới vào làm tại công ty thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc để hưởng BHTN. Đây là những người có thời gian tham gia BHTN chưa đủ 12 tháng hoặc không đáp ứng điều kiện hưởng TCTN ở đơn vị trước đó (do thiếu hồ sơ hay nộp hồ sơ quá hạn 3 tháng, chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định...).
"Theo quy định, NLĐ đóng BHTN 1 năm hay 3 năm đều được hưởng 3 tháng TCTN, bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Do đó, NLĐ có suy nghĩ cứ đóng đủ 12 tháng là nghỉ để hưởng BHTN sẽ có lợi hơn. Trong thời gian hưởng BHTN họ xin làm việc thời vụ (không ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH, BHYT, BHTN) vừa có lương vừa hưởng TCTN, tổng thu nhập cao hơn tiếp tục làm ở công ty cũ" - bà Lĩnh phân tích.
Tương tự, tại Công ty TNHH May mặc Q.V (huyện Củ Chi, TP HCM) khi một chuyền may trung bình có khoảng 27 - 28 CN thì có đến 7 - 8 người có tay nghề xin nghỉ việc. Đa số họ đều làm việc trên 10 năm, khiến DN rất đau đầu trong việc tìm nguồn bổ sung.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm tổ chức tại quận 12, TP HCM
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, từ đầu năm đến nay có 127.622 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng hơn 10.000 người so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó, gần 123.700 người có quyết định nhận TCTN với thời gian hưởng từ 3 - 12 tháng.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết BHXH thành phố đang thực hiện theo Công văn số 665/CVL-BHTN của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) để giải quyết TCTN đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHTN hơn 12 năm. Theo đó, NLĐ đóng BHTN trên 144 tháng được giải quyết hưởng TCTN tối đa 12 tháng và không được bảo lưu đối với thời gian đóng BHTN còn lại.
"Riêng các trường hợp có quyết định hưởng 12 tháng BHTN nhưng chưa hưởng hết do có việc làm… thì thời gian chưa hưởng sẽ được cộng dồn và bảo lưu với thời gian đóng dư chưa tính hưởng trước đó" - ông Hà nói.
Bất bình đẳng về quyền lợi
Hiện Luật Việc làm chỉ quy định mức hưởng BHTN tối đa không quá 12 tháng (tương ứng thời gian đóng 144 tháng) nhưng chưa có quy định về giải quyết thời gian đóng BHTN quá 144 tháng. Do vậy, việc thực hiện chính sách dựa vào hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Tháng 5-2021, tại Công văn số 278/CVL-BHTN trả lời Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế, Cục Việc làm nêu rõ đóng BHTN vượt quá 144 tháng được xác định là thời gian đóng nhưng chưa giải quyết hưởng trợ cấp, thời gian đóng dư sẽ được bảo lưu. Căn cứ hướng dẫn này, từ năm 2021 đến giữa tháng 8-2022, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành khác đã chi trả TCTN tối đa 12 tháng và bảo lưu thời gian đóng còn lại cho khoảng 20.710 NLĐ.
Tuy nhiên, đến ngày 15-8-2022, Công văn số 665/CVL-BHTN của Cục Việc làm lại hướng dẫn người đóng trên 144 tháng được hưởng tối đa 12 tháng TCTN và không được bảo lưu số tháng thừa còn lại. Điều này đã gây ra sự không thống nhất khi thực hiện tại các địa phương.
BHXH Việt Nam cho biết sau khi có Công văn số 665/CVL-BHTN, BHXH Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ để đáp ứng thực hiện chính sách. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thành thực hiện không thống nhất đối với những trường hợp có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng đã được bảo lưu theo Công văn 278/CVL-BHTN của Cục Việt làm.
Từ đó, dẫn đến khó khăn cho cơ quan BHXH trong xác nhận thời gian đóng BHTN trên hệ thống phần mềm liên thông toàn quốc đối với người hưởng TCTN; khó thu hồi tiền hưởng BHTN những trường hợp bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng đã giải quyết TCTN cho lần tiếp theo. Việc không thống nhất này gây bất bình đẳng về quyền lợi giữa những NLĐ trong cùng nhóm đối tượng hưởng BHTN.
Từ thực trạng trên, BHXH Việt Nam vừa có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có hướng dẫn thống nhất để thực hiện. "Trong khi chờ ý kiến của bộ, cơ quan BHXH tạm thời không bảo lưu đối với tất cả trường hợp có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng được giải quyết hưởng BHTN kể từ ngày 1-1-2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều 17 và khoản 3 điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, khoản 8 điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP" - BHXH Việt Nam cho biết.
Chỉ được bảo lưu một số trường hợp
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo pháp luật hiện hành, NLĐ hưởng xong BHTN sẽ bắt đầu lại quá trình tham gia và chỉ được bảo lưu BHTN trong một số trường hợp được nêu rõ trong Luật Việc làm. "Các chế độ bảo hiểm ngắn hạn như BHTN, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT được xây dựng trên nguyên tắc chia sẻ, đóng hưởng nhưng thiên về nguyên tắc chia sẻ nhiều hơn đối với những đối tượng đang gặp khó khăn do ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp. Do vậy, nếu vượt quá 12 năm tham gia thì mức hưởng TCTN của NLĐ được giải quyết tối đa chỉ 12 tháng" - ông Cường nói.
Bình luận (0)