Không ít người lao động (NLĐ) băn khoăn việc bản thân họ nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hay nhận "một cục".
Cân nhắc khi ra khỏi lưới an sinh
Hơn 14 năm làm kế toán cho một công ty du lịch, thế nhưng 8 tháng qua, chị Vũ Hà Nhung, 45 tuổi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã phải nghỉ việc vì đơn vị buộc cắt giảm nhân lực do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Nhung cho biết phải nghỉ việc sau nhiều năm làm việc kéo theo không ít những ảnh hưởng tới cuộc sống của bản thân và gia đình. Mất đi nguồn thu ổn định hằng tháng, chị Nhung chuyển sang bán hàng online để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Thế nhưng, điều chị băn khoăn nhất sau 14 năm đóng BHXH, chị có nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc hay nhận "một cục" để có một khoản tiền kha khá mở một cửa hàng kinh doanh đồ ăn.
Tìm đến chuyên gia BHXH tư vấn, chị Nhung được phân tích thiệt hơn về những lựa chọn của chị. Cuối cùng, chị quyết định lựa chọn việc đóng BHXH tự nguyện sau khi đã có thu nhập hằng tháng ổn định từ công việc kinh doanh online của mình.
Người lao động nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc Ảnh: AN KHÁNH
Theo BHXH Việt Nam, dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhất là các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Trong 9 tháng đầu năm 2020, ngành BHXH đã giải quyết cho khoảng 647.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần. So với cùng kỳ năm 2019, tình trạng nhận trợ cấp "một cục" có xu hướng gia tăng. Bà Bùi Thị Kim Loan, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với hưởng lương hưu.
Nếu NLĐ nhận BHXH một lần, khi tiếp tục tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH, mà chỉ tính thời gian đóng BHXH sau này. "NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ nhà nước hoặc nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí; thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, nếu NLĐ tiếp tục tham gia BHXH thì sau này ngoài hưởng lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT, được nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng chỉ số giá tiêu dùng…" - bà Loan nói.
Bảo lưu kết quả đóng BHXH
Theo quy định tại điều 61 Luật BHXH năm 2014 thì NLĐ khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa hưởng BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Hiện Luật BHXH không quy định thời gian tối đa bảo lưu thời gian đóng BHXH. Do vậy, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
"Theo quy định, NLĐ sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, pháp luật về BHXH hiện hành cũng quy định NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện đóng tiếp BHXH cho đủ thời gian tham gia BHXH tối thiểu 20 năm thì đến khi đủ tuổi sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động. Do đó, NLĐ cân nhắc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH để sau này khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn thời gian đã tham gia BHXH để hưởng BHXH với mức hưởng cao hơn" - bà Loan khuyến cáo.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết trong trường hợp nếu tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, các cá nhân sẽ đóng BHXH hằng tháng với mức đóng 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần và đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) sẽ được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Với những người đã đủ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam) nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện theo các phương thức đóng nêu trên. Trường hợp NLĐ đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm thì được đóng một lần BHXH tự nguyện cho thời gian còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu ngay tháng liền kề sau tháng đóng đủ 20 năm.
"Người dân có thể liên hệ với cơ quan BHXH tại địa phương hoặc đại lý thu nơi cư trú (bưu điện hoặc UBND xã, phường, thị trấn) để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục tham gia" - ông Hùng tư vấn.
Đến thời điểm này, cả nước có trên 15,5 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhiều NLĐ, đặc biệt là lao động chân tay khi thôi việc hoặc chuyển việc muốn được thanh toán bảo hiểm một lần chứ không kiên trì theo đuổi hết số năm đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Do vậy, theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng NLĐ nhận trợ cấp một lần, nhà nước cần đưa ra nhiều gói bảo hiểm phù hợp với các thành phần lao động.
Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đang kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, thuận lợi hơn nữa cho người tham gia. Trong đó, đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, NLĐ phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Bình luận (0)