Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đến đề xuất này, Báo Người Lao Động có bài viết "Nút thắt là tuổi nghỉ hưu" và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bạn đọc Đỗ Công Thành nhận xét: "Đúng - nút thắt là tuổi nghỉ hưu và số năm tối thiểu được hưởng BHXH. Nên tính đến số tuổi nghỉ hưu (Nam 55, Nữ 50) và số năm đóng BHXH 15 năm. Còn được hưởng nhiều ít là do người lao động tham gia đóng tiền bhxh thực tế (đây mới là quyền lợi của họ). Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Người lao động sức đâu mà trụ đến năm 60-62 tuổi. Muốn nghỉ sớm còn phải giám định sức khỏe lằng nhằng rồi trừ % nữa. Vậy nên gần 20 hay đến 14 năm thì họ vẫn rút 1 lần".
Một bạn đọc khác đặt câu hỏi: "Cơ quan soạn thảo lập luận rằng tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn" tức là khoảng 45, 47 tuổi mới tham gia. Vậy xin hỏi có thống kê được số người tham gia BHXH muộn hay không? Số người tham gia muộn chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trên hệ thống? Muốn thuyết phục được mọi người đồng thuận cần phải có số liệu so sánh để nhìn vào ai cũng thấy được tính ưu việt của dự thảo". Một bạn đọc khác thắc mắc: "Tại sao khống chế lương hưu không quá 75% mức đóng bảo hiểm trung bình của người lao động. Vượt quá thì 1 năm được chi trả 0,5 tháng Như vậy có khuyến khích không?".
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Đình, giảm tuổi nghỉ hưu với nam là 55 nữ là 50 thì mới giữ chân được người tham gia BHXH. Còn bạn đọc tên Hằng góp ý: "Tôi nghĩ không quy định tuổi nghỉ hưu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Doanh nghiệp thường hay sàng lọc độ tuổi công nhân lớn tuổi, lấy đâu làm đến 55-60".
Một bạn đọc tên Huỳnh góp ý: "Tôi đồng ý quan điểm là hạ tuổi nghỉ hưu hoặc không định tuổi nghỉ hưu màqui định số năm đóng BHXH. Ví dụ người đóng đủ 20 năm thì nhận bao nhiêu %, người đóng 25 hoặc 30 năm v.v. cứ thế tăng theo số năm đóng. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Xuân Bình bày tỏ: "Cứ đóng đủ 20 năm là đủ điều kiện nghỉ hưu, không tính tuổi, nếu đóng trên 20 năm sẽ tăng tương ứng, như vậy ai cũng muốn đóng thêm để lãnh cao, ai sức khỏe yếu không làm được nữa thì lãnh thấp, không ai rút 1 lần cả". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Văn Ánh chia sẻ: "Nên tính theo số năm đóng bảo hiểm để nghỉ, cứ 35 năm thì được hưởng 75%, ai chưa đủ thì trừ %, vì hiện tại bảo hiểm đang tính mức hưởng lương hưu theo mức lương đóng và số năm đóng".
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Duy góp ý: "Thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng xem xét áp dụng quy định cho người lao động đóng BHXH 15 năm được hưởng 45%. Nếu người lao động muốn lương hưu cao hơn thì sẽ vẫn làm việc và đóng thêm, mỗi năm tăng 2% cho đến mức hưởng tối đa là 75% tương ứng với 30 năm đóng BHXH, sau đó vẫn khuyến khích người lao động tham gia tiếp đóng thêm bằng cách phần thừa đóng trên 30 năm sẽ được trả một lần vào lúc nghỉ hưu".
Bình luận (0)