Dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Trước thông tin từ tháng 1-2025 sẽ không được rút BHXH một lần, nhiều người lao động (NLĐ) đã quyết định xin nghỉ việc để tránh bị tác động bởi chính sách này.
"Thời điểm thích hợp"
Tại một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận 12, TP HCM, rất nhiều lao động lâu năm vì lo lắng chính sách BHXH thay đổi nên đã xin nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Cán bộ BHXH TP HCM tuyên truyền về chính sách BHXH cho người lao động
Trao đổi với chúng tôi, bà N.T.T, quản lý nhân sự công ty này, cho hay trong số lao động xin nghỉ việc có nhiều người đang giữ các vị trí quản lý. Để tránh thiếu hụt nhân sự, công ty chấp thuận cho những người đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên nghỉ việc lần lượt để rút BHXH một lần, sau đó tuyển dụng lại với hình thức lao động thời vụ, không đóng BHXH trong 1 năm. Công ty đã giải quyết cho 10 trường hợp theo diện này.
Bản thân có hơn 15 năm đóng BHXH nhưng thời điểm công ty bắt đầu thực hiện chính sách nêu trên, bà T. không có ý định xin nghỉ để hưởng chế độ bởi muốn tham gia lâu dài để hưởng lương hưu. Thế nhưng, sau lần khám sức khỏe mới đây, bà đã thay đổi ý định. Theo chẩn đoán, bà T. bị viêm tuyến giáp và có nguy cơ chuyển sang ung thư. Lo lắng chính sách thay đổi và tình trạng sức khỏe không thể chờ đến khi hưởng lương hưu, bà quyết định sẽ rút BHXH một lần.
Theo bà T., với số tiền khoảng 300 triệu đồng cho hơn 15 năm đóng BHXH, bà tính gửi tiết kiệm để có khoản chi tiêu khi hữu sự. "Tình hình sức khỏe không cho phép và việc không biết chính sách sẽ thay đổi ra sao khiến tôi bất an, muốn nghỉ việc nhận BHXH một lần" - bà giải thích.
Mới đây, khi hay tin có tên trong danh sách bị cắt giảm cùng 611 lao động khác, tâm trạng ông Nguyễn Văn Sinh, công nhân (CN) Công ty TNHH N.B (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, TP HCM), rất trái ngược. Mất việc chắc chắn sẽ khiến cuộc sống gia đình đối diện nhiều khó khăn nhưng lại đúng thời điểm ông đang muốn nghỉ để rút BHXH một lần.
"Nghe đồng nghiệp bàn tán từ đầu năm sau sẽ không được rút BHXH nên tôi đã dự định xin nghỉ. Theo quy định, muốn rút BHXH một lần thì phải nghỉ việc trước 12 tháng, do vậy đây là thời điểm thích hợp nhất. Với khoản trợ cấp BHXH một lần cho 14 năm làm việc, tôi sẽ giải quyết được nhiều thứ, trong đó có khoản nợ vay để xây nhà" - ông Sinh giãi bày.
Doanh nghiệp lo biến động lao động
Theo bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (TP HCM), số đông NLĐ rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật BHXH lần này, đặc biệt là các quy định liên quan rút BHXH một lần. Tuy nhiên, thông tin khi nào Luật BHXH mới có hiệu lực, phương án nào được chọn thì họ vẫn mù mờ.
"Thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội khiến NLĐ lo lắng, nhiều người tin rằng từ ngày 1-1-2025, khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ chấm dứt giải quyết chế độ BHXH một lần. Do đó, để tránh sự tác động của chính sách mới, rất nhiều NLĐ dự định xin nghỉ việc để kịp rút BHXH một lần. Tình hình này khiến ban giám đốc công ty chúng tôi đau đầu bởi khi đơn hàng phục hồi thì rất khó tuyển lao động" - bà Kha lo ngại.
Một cán bộ Công đoàn của Công ty TNHH Chí Hùng (tỉnh Bình Dương) cũng cho hay tại công ty này, nhiều CN có tay nghề ở độ tuổi 38-42 xin nghỉ để rút BHXH một lần. Số CN này đi làm từ khi còn rất trẻ và đã nhiều năm tham gia BHXH. Trước tình trạng DN khó khăn về đơn hàng, họ lo lắng việc làm không bảo đảm, dễ bị cắt giảm lao động, khó xin việc, trong khi thời gian chờ hưởng hưu quá dài nên quyết định nhận BHXH một lần để có khoản chi tiêu. Nếu số CN này nghỉ việc, công ty sẽ gặp không ít xáo trộn do thiếu hụt lao động.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Công ty TNHH Thêu Vĩnh Dương (quận Tân Phú, TP HCM). Theo ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn công ty, trước đây, do thiếu hụt đơn hàng nên công ty cắt giảm một số lao động và hỗ trợ mỗi người 3,5 tháng lương. Nay đơn hàng phục hồi, công ty không cắt giảm, NLĐ tự nghỉ việc sẽ không có khoản hỗ trợ nào. Thế nhưng, họ vẫn quyết nghỉ để rút BHXH một lần do lo ngại chính sách BHXH thay đổi.
Nên tính chuyện hưởng quyền lợi lâu dài
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, 2 năm qua, số người rút BHXH một lần tăng từ 18%-20%, trong 7 tháng đầu năm 2023 cũng tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ rút BHXH một lần, trong đó bao gồm lý do khó khăn về tài chính và tránh tác động của việc sửa đổi Luật BHXH. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội, ban soạn thảo đã thiết kế 2 phương án. Trong đó, một phương án là NLĐ được tiếp tục thực hiện đầy đủ các quyền lợi, bao gồm quyền được rút BHXH một lần, đối với người đã tham gia BHXH trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Ông Ánh nhìn nhận: "BHXH là chính sách an sinh xã hội, ở đó NLĐ tham gia được hưởng các chế độ BHXH, trong đó có chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. BHXH một lần chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt. Người dân nên ở lại hệ thống BHXH để hưởng quyền lợi lâu dài và được bảo đảm an sinh xã hội khi về già".
Bình luận (0)