“Thời gian tham dự các cuộc thi tay nghề là lúc tôi trau dồi thêm kiến thức nghề nghiệp. Sau khi đi làm, tôi nhận ra hội thi còn để lại cho tôi không ít kinh nghiệm về khả năng thích nghi và chịu áp lực trong môi trường cạnh tranh”. Anh Thi Quốc Vinh, cựu sinh viên (SV) ngành cơ - điện tử Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, chia sẻ tại buổi tư vấn “Tác phong công nghiệp” do Thành đoàn TP HCM tổ chức tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng mới đây.
Trưởng thành từ hội thi
Bước vào cánh cửa trường nghề, khẳng định lựa chọn học nghề của mình là hợp lý, anh Vinh lăn xả học hỏi, rèn luyện. Cố gắng đó được gia đình và xã hội thừa nhận khi anh mạnh dạn tham gia và thành công ở nhiều cuộc thi tay nghề. Huy chương bạc Hội thi Tay nghề ASEAN, giải nhất Hội thi Tay nghề cấp quốc gia, TP; danh hiệu “Học sinh (HS) 3 rèn luyện”… đã giúp anh vững vàng, tự tin hơn.
Thành tích đạt được giúp anh Vinh và nhiều SV trường nghề khác “ghi điểm” với nhà tuyển dụng. “Không thể phủ nhận, thành tích trong quá trình học nghề đã giúp tôi được nhà tuyển dụng ưu ái. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những điều kiện cần thiết. Phải có năng lực thực sự và thể hiện năng lực ấy một cách hiệu quả mới tạo dựng được chỗ đứng trong doanh nghiệp” - anh cho hay. Hiện anh Vinh là nhân viên Phòng Kỹ thuật Công ty Kỹ thuật PLC Việt Nam. Các kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ nhiều hội thi vẫn được anh áp dụng trong quá trình làm việc. Ngoài ra, anh còn học thêm chuyên ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách khoa TP để có thêm kiến thức phục vụ công việc.
Như nhiều thí sinh của hội thi “Học sinh giỏi nghề”, năm 2014, Đỗ Thị Mỹ Duyên, học viên Khoa Y - Dược Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn, tranh tài với tất cả sự cố gắng và lòng nhiệt tình. Duyên chia sẻ: “Không chỉ giao lưu, học hỏi, kiểm tra lại kiến thức, chúng tôi còn được doanh nghiệp biết đến. Nói cách khác, hội thi chính là cơ hội việc làm cho học viên trường nghề”.
Dám mơ ước, dám thực hiện
Phong cách tự tin và lập luận chắc chắn về việc thực hiện ước mơ trở thành luật sư, Lưu Vĩnh Trinh, HS lớp 11B3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình,
TP HCM), đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Thực hiện ước mơ” năm 2014 do Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TP tổ chức. Với phương châm sống: “Tôi không có một gia đình giàu có, không có đầu óc của thiên tài, tôi chỉ có những tháng ngày phấn đấu không ngừng để thực hiện ước mơ”, Trinh là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ dám nghĩ dám làm.
Khả năng lý luận, cách xử lý tình huống nhạy bén qua các phần thi chứng tỏ Trinh đã chuẩn bị kỹ càng. Không chỉ là chuẩn bị để thi tốt mà còn chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Trinh bộc bạch: “Cuộc thi là cơ hội để em tiếp cận với các chuyên gia ngành luật, tìm hiểu thêm các kiến thức liên quan đến luật pháp. Như vậy, em có thêm điều kiện để thực hiện mục tiêu trở thành luật sư đã ấp ủ từ lâu”.
Là 1 trong 3 trường hợp đầu tiên tại Việt Nam ra đời thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Phạm Tường Lan Thi, HS lớp 10CV1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, chọn nghề bác sĩ làm mục tiêu phấn đấu. Thi muốn trở thành bác sĩ giỏi để nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của những bậc sinh thành khi đón những đứa con chào đời, như các bác sĩ đã mang Thi đến bên bố mẹ. “Hoàn cảnh ra đời đặc biệt đã tác động không nhỏ đến định hướng nghề nghiệp của tôi. Tranh tài ở cuộc thi “Thực hiện ước mơ” là một kế hoạch nhỏ trong số những kế hoạch tôi vạch ra để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình” - Thi tâm sự.
Thực tế cho thấy nhiều SV phải đổi ngành học hoặc chỗ làm việc nhiều lần vì nhận ra mình không phù hợp với nghề nghiệp đã lựa chọn. Tham gia cuộc thi nghề nghiệp cũng là cách giúp SV, HS nhìn nhận và đánh giá lại lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Ông Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP HCM
Bình luận (0)