Ngày 21-5, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã chuyển Bộ Tư pháp dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/CP để thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung và nâng mức xử phạt ở lĩnh vực lao động và BHXH, dự thảo tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, cơ chế, quy trình xử phạt trong lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Vận động tuân thủ pháp luật
Theo Nghị định 95/CP, kể từ ngày 10-3-2014, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bị xử phạt hành chính từ 80-100 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người khác ở lại nước ngoài trái phép.
Ngày 6-12-2014, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư liên tịch số 32 hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt song song với việc tuyên truyền về việc xử phạt đến tận thôn, xã. Cơ quan đại diện ngoại giao ở các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam cũng đưa thông tin đến nhà máy, xí nghiệp, kết hợp vận động NLĐ tuân thủ hợp đồng, pháp luật.
Thế nhưng, sau hơn 14 tháng triển khai, việc xử phạt theo Nghị định 95/CP gần như bế tắc. Đến nay, chỉ có khoảng 900 lao động bỏ trốn bị cơ quan thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính. Trong đó, nhiều nhất là đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc ra quyết định xử phạt 576 lao động; kế đến là chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Loan ra quyết định xử phạt 167 lao động. Kết quả còn đáng ngạc nhiên hơn khi thực tế trong số 900 người nói trên, cơ quan thẩm quyền chỉ xử phạt được... 1 lao động ở Bắc Giang. Ngay cả trường hợp duy nhất này, việc xử phạt cũng không đầy đủ vì mới cưỡng chế tài khoản tiết kiệm được 40 triệu đồng (một nửa số tiền phạt).
Không tìm được người để phạt
Có nhiều vướng mắc dẫn đến việc bế tắc khi triển khai Nghị định 95/CP. Cụ thể, việc xử phạt lao động bỏ trốn được giao quá nhiều đầu mối, gồm: chủ tịch UBND tỉnh, thành; chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH; cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc người được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngài.
Trên thực tế, hầu hết các trường hợp bị ra quyết định xử phạt đều do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện. Quyết định cũng chỉ dựa trên biên bản xử lý vi phạm do cảnh sát nước sở tại cung cấp, vắng mặt NLĐ nên không thể xử phạt trực tiếp. Quyết định này sau đó được chuyển về Cục Quản lý lao động ngoài nước để chuyển cho UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh tiếp tục chuyển về chính quyền địa phương cấp huyện, xã để tiến hành xử phạt hoặc cưỡng chế xử phạt. Tuy nhiên khi đó, NLĐ vẫn đang bỏ trốn ở nước ngoài, không thể tìm được để xử phạt.
Vướng mắc lớn nhất là quy định xử phạt tại Nghị định 95/CP trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một cán bộ của Vụ Pháp chế cho rằng theo luật này, xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật. Trong trường hợp NLĐ đang bỏ trốn ở nước ngoài hoặc về nước nhưng cố tình không nộp phạt, cơ quan chức năng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản của gia đình NLĐ vì họ không phải đối tượng bị xử phạt. Theo cán bộ trên, nếu vướng mắc không được tháo gỡ, quy định về xử phạt hành chính đối với NLĐ theo Nghị định 95/CP xem như phá sản.
Xem xét miễn phạt lao động tự nguyện hồi hương
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho rằng theo quy định hiện hành, mọi trường hợp phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ở nước ngoài đều bị xử phạt. Mức phạt 80-100 triệu đồng là khá cao, đủ sức răn đe NLĐ. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định 95/CP nên xem xét miễn hình phạt đối với NLĐ tự nguyện hồi hương theo chính sách ân xá của các quốc gia và vùng lãnh thổ (thường tổ chức theo chiến dịch hằng năm). Đây cũng là chính sách mở, khuyến khích NLĐ cư trú, làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.
Bình luận (0)