Vì thế bệnh nghề nghiệp (BNN) được ví như "sát thủ" tàn phá sức khỏe người lao động thầm lặng nhưng vẫn chưa được doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) quan tâm.
Tàn phá sức khỏe
Anh Bùi Hoàng Linh (Kim Bôi, Hòa Bình) mới 35 tuổi mà hom hem như ở tuổi 50. Là công nhân mỏ, hơn 1 năm nay anh Bùi Hoàng Linh đang phải vật lộn với căn bệnh phổi si líc. Anh Linh cho biết: “Tôi vừa mới điều trị gần chục ngày tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Cách đây hơn một năm, ho kéo dài, tức ngực, khó thở, tôi tự mua thuốc điều trị nhưng mãi không khỏi. Vào bệnh viện khám, tôi mới biết mình bị mắc bệnh bụi phổi si líc. Đợt vừa qua phải nhập viện cấp cứu vì suy hô hấp, tràn dịch màng phổi. Mỗi lần điều trị tốn hàng chục triệu đồng nhưng may có bảo hiểm y tế nên cũng đỡ phần nào”.
Còn bác Nguyễn Thị Phương (Đội Cấn, Hà Nội), làm thợ xây dựng tại một công ty xây lắp cũng xin nghỉ việc được hơn năm nay do bệnh viêm hô hấp. “Công việc nặng nhọc của người thợ hồ, môi trường làm việc ô nhiễm khiến sức khỏe của tôi suy giảm nhanh. Tháng nào tôi cũng phải vào viện khám bệnh theo chế độ BNN”, bác Phương cho biết.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), năm 2016, các cơ sở y tế đã khám sức khỏe định kỳ cho hơn 1,5 triệu người lao động. Số lao động đạt sức khỏe loại I là hơn 353.000 người (chiếm gần 23%), sức khỏe loại II chiếm gần 40%, loại III chiếm hơn 23%, còn lại là loại IV, V. Đáng chú ý là tỷ lệ người sức khỏe loại IV, V gia tăng trong 2 năm gần đây.
“Hiện có khoảng 30.000 người lao động mắc BNN đã được giám định, hưởng chế độ trợ cấp BNN, trong đó có hơn 75% số người mắc bệnh bụi phổi. Nhưng trên thực tế, số người mắc BNN ước tính cao hơn rất nhiều số người đã được khám, giám định. Nguyên nhân do phần lớn các DN, cơ sở lao động không tổ chức khám, phát hiện BNN cho NLĐ”, bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết.
Môi trường làm việc còn bỏ ngỏ
Hiện cả nước có hơn 500.000 DN hoạt động, trong đó có tới hơn 90% là DN nhỏ và vừa. Đa phần các DN này sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc, dây chuyền chắp vá, nhà xưởng chật chội đã làm tăng nguy cơ tai nạn lao động và BNN.
Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), nhiều DN tìm mọi cách để giảm chi phí, hạ giá thành, kể cả việc sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu không đảm bảo. Các hóa chất độc hại, môi trường làm việc ô nhiễm là ẩn họa đe dọa sức khỏe của hàng triệu NLĐ.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB0 XH cho biết: “Năm 2015, ngành lao động thanh tra chuyên đề về dệt may, năm 2016 thanh tra chuyên đề về xây dựng, còn năm 2017 thanh tra về lĩnh vực điện tử và thủy sản. Trong quá trình thanh tra, các đoàn kiểm tra chỉ ra nhiều lỗi sai phạm của doanh nghiệp và yêu cầu khắc phục môi trường làm việc như về ánh sáng, độ bụi, tiếng ồn".
Còn theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), qua điều tra, khảo sát, những ngành có số NLĐ mắc BNN nhiều nhất là khai thác mỏ, xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất. Nguyên nhân được xác định là do môi trường lao động khắc nghiệt và điều kiện làm việc lạc hậu. NLĐ được trang bị đồ bảo hộ lao động không đảm bảo, trong khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: bụi than, đá, kim loại, phóng xạ, tiếng ồn, độ rung chuyển và các loại hơi khí độc dưới hầm sâu.
Ở tất cả các công đoạn khai thác, lao động thủ công vẫn là chủ yếu. Kết quả đo, kiểm tra môi trường cho thấy, công nhân khai thác mỏ thường xuyên làm việc trong một môi trường có nồng độ bụi toàn phần cao vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 15 đến 30 lần; nồng độ bụi hô hấp có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 9 đến 11 lần; tiếng ồn có nơi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 18 dBA.
Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1-7-2016 quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.
Quy định là vậy, nhưng thực tế rất ít DN thực hiện việc đo, kiểm tra môi trường lao động. Theo Cục Quản lý môi trường y tế, năm 2016 chỉ có 6.293 cơ sở sản xuất triển khai quan trắc môi trường lao động, chiếm hơn 12% số DN, cơ sở sản xuất trong cả nước và có 1,5 triệu lao động đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chiếm hơn 10% số lao động có quan hệ lao động. Qua khám bệnh, số lao động mắc về đường hô hấp chiếm hơn 25,6%, bệnh tiêu hóa chiếm 16%, về mắt chiếm 6,7%...
“Có những DN đã hoạt động hơn 10 năm nhưng chưa một lần các cơ quan chức năng đến thanh tra, kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh môi trường lao động. Có những địa phương nhiều năm qua chưa xử phạt cơ sở lao động nào do vi phạm... Thực trạng BNN đã đến mức báo động, rất cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm, khắc phục. Khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực, đặc biệt cho phép thành lập lực lượng thanh tra lao động cấp quận huyện, do đó, các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra để nhắc nhở và xử lý nghiêm vi phạm về an toàn lao động, môi trường làm việc”, bà Lương Mai Anh đề xuất.
Bình luận (0)