Nghe thông tin trên, ông Đào Kiên Tường, Giám đốc Công ty TNHH Kiên Tường (may gia công quần áo thể thao xuất khẩu; thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), bày tỏ: “Làm thêm là đi ngược lại xu thế chung của thế giới, do vậy các nhà làm luật phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng. Hãy vì sức khỏe NLĐ và tương lai giống nòi”.
Ông Tường cho biết đơn hàng tại công ty ông rất dồi dào nhưng chưa bao giờ ban giám đốc có ý định buộc công nhân (CN) làm việc quá sức. Với 200 lao động, phần lớn là CN có thâm niên và tay nghề cao, việc tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về thời gian lẫn sản lượng đối với ban giám đốc không quá khó. Thực tế, với máy móc, thiết bị công nghệ được đầu tư hiện đại, đặc biệt là CN có kỹ năng nghề cao, năng suất lao động tại công ty luôn đạt mức cao nhất. Chưa kể, chính sách chăm lo cho nguồn nhân lực tại doanh nghiệp (DN) rất chỉn chu nên CN rất chú tâm làm việc, do vậy đơn hàng luôn bảo đảm tiến độ. Nhờ công ty tính toán lương, thưởng hằng tháng hợp lý nên phần lớn CN có thể sống khỏe. “Có năm, dù đơn hàng nhiều nhưng chưa bao giờ CN tăng ca quá 100 giờ/năm. Ban giám đốc luôn chủ trương phải bảo đảm sức khỏe lâu dài, đặc biệt là thu nhập cho CN, thay vì ép họ làm việc quá sức” - ông Tường chia sẻ.
Không phải chủ DN nào cũng có cách hiểu và cách làm như Công ty TNHH Kiên Tường. Thực tế, vì thu nhập quá bấp bênh nên phần lớn CN phải chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt. Thế nhưng, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ và đối diện với tương lai mờ mịt. Ốm đau, bệnh nghề nghiệp và không có thời gian để thư giãn, chăm sóc con cái đến nơi đến chốn... là hệ lụy trước mắt.
Cũng vì vắt kiệt sức mà sức khỏe họ ngày càng suy kiệt, năng suất lao động giảm và nguy cơ bị chủ sử dụng lao động đẩy ra đường là có thật. Tình trạng chủ DN buộc CN làm thêm giờ nhưng không thỏa thuận vẫn còn phổ biến. Nếu NLĐ không đi làm thêm giờ thì sẽ bị trừ tiền chuyên cần, năng suất dẫn đến ảnh hưởng thu nhập.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tranh chấp lao động là do NLĐ tăng ca quá sức nhưng thu nhập không cải thiện được là bao. Việc làm thêm quá nhiều cũng khiến CN đối diện nguy cơ bị tai nạn lao động, từ đó trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đánh đổi sức khỏe, thậm chí tương lai chỉ để cải thiện thu nhập chắc chắn không phải là mong muốn của tuyệt đại đa số NLĐ.
Bình luận (0)