“Khó lắm! Không hề đơn giản! Họ chủ yếu là lao động phổ thông, người nghèo ở nông thôn, chỉ mong 3 năm ra nước ngoài tích cóp một khoản thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình chứ làm gì nghĩ đến lợi ích lúc về già để tham gia BHXH bắt buộc”. Ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, chia sẻ như vậy khi bàn về quy định người lao động (NLĐ) phải tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1-1-2016.
Bên lúng túng, bên lo lắng
Theo ông Xuyên, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có quy định về chế độ bảo hiểm đối với lao động nước ngoài. Lao động Việt Nam sang Nhật, Đài Loan, Malaysia đều phải đóng các loại bảo hiểm, trừ vào lương hằng tháng. Ở Hàn Quốc, NLĐ khi xuất cảnh sang nước này phải mang theo 450 USD để đóng bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, thất nghiệp. “Việc tham gia BHXH bắt buộc trong nước sẽ khiến họ nghĩ rằng bị “đánh thuế 2 lần” nên ngại tham gia” - ông Xuyên nói.
Ông Lê Việt Hưng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Isalco tại TP HCM, cho biết đến thời điểm này, ông không biết sẽ phải thu BHXH bắt buộc của NLĐ như thế nào, mức thu bao nhiêu, hình thức thu thế nào? Trường hợp NLĐ không đóng, doanh nghiệp (DN) không thu được thì bị xử lý ra sao?
Đa phần NLĐ tiếp xúc với chúng tôi cũng không mấy mặn mòi. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) lo lắng: “Gia đình tôi phải cầm sổ đỏ mới có đủ 4.200 USD để làm chi phí sang Nhật. Mấy tháng qua, tôi phải bán thêm rẫy để có tiền học tiếng, học nghề, ăn ở, chi tiêu chờ ngày đi. Nếu đóng thêm tiền BHXH, chắc chắn thu nhập sẽ giảm, thời gian trả nợ kéo dài. Tôi chỉ muốn sang Nhật kiếm chút tiền sửa sang cái nhà rồi tiếp tục ruộng rẫy chứ chẳng màng chuyện lương hưu”.
Quy định cào bằng, khó thu
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng dù chưa có thông tư hướng dẫn nhưng quy định về BHXH bắt buộc đối với lao động xuất khẩu khá cụ thể trong Luật BHXH và Nghị định 115/CP. Theo đó, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài (trường hợp đã tham gia BHXH bắt buộc); bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở (trường hợp chưa tham gia BHXH bắt buộc). NLĐ có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng. Về hình thức đóng, NLĐ đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi hoặc đóng qua DN, tổ chức phái cử. Ông Quỳnh cho rằng do chỉ thu hộ nên DN không bị ảnh hưởng về tài chính.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các DN xuất khẩu lao động (XKLĐ), Nghị định 115/CP chưa phủ hết đối tượng. Cụ thể, nghị định chỉ quy định chung chung đối tượng “NLĐ đi làm việc ở nước ngoài” mà không nhắc đến thực tập sinh. Giám đốc một DN tại TP HCM đặt vấn đề: “Luật quy định NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bao gồm cả thực tập sinh. Vậy, NLĐ sang Nhật theo chương trình thực tập sinh hay hộ lý, điều dưỡng sang Nhật, Đức theo chương trình thực tập nâng cao tay nghề có thuộc phạm vi điều chỉnh hay không?”.
Vị này nhấn mạnh dù chỉ thu hộ, không phải chi trả một phần BHXH cho NLĐ nhưng chắc chắn hoạt động kinh doanh của DN và cả ngành XKLĐ sẽ bị ảnh hưởng. NLĐ vốn đã bỏ ra nhiều chi phí để đi XKLĐ, nay phải đóng thêm BHXH bắt buộc, gánh nặng tài chính có thể khiến nhiều người bỏ cuộc. Chưa kể, quy định cào bằng mức đóng 22% trên mức lương cơ sở sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, nhất là đối với những người sang các thị trường có thu nhập thấp như Malaysia hoặc các nước Trung Đông.
“Chúng tôi hoan nghênh quy định mới hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, lo lợi ích lâu dài cho NLĐ nhưng cũng rất băn khoăn về tính khả thi. Trên thực tế, DN ngại gánh phần thu hộ, còn NLĐ không muốn tham gia”.
Ông Nguyễn Xuân An, Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam
Bình luận (0)