Hôm nay, ngày 1-1-2016, Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 chính thức có hiệu lực. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, Luật BHXH còn bổ sung một số quyền và trách nhiệm cho cả người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động và cơ quan BHXH.
Đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp
Một trong những thay đổi đáng chú ý của Luật BHXH năm 2014 được NLĐ đặc biệt quan tâm là tiền lương đóng BHXH sẽ căn cứ trên mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, với cách tính mới này, lương đóng BHXH sẽ là mức lương thực nhận giúp quyền lợi của NLĐ được bảo đảm hơn, được hưởng lương hưu cao hơn. Ngoài ra, các chế độ trợ cấp rủi ro khác như tai nạn, ốm đau, thất nghiệp và chế độ thai sản sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, các nhà làm luật cũng nhìn nhận nếu áp dụng ngay lập tức quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc thay đổi mức đóng sẽ từng bước thực hiện theo lộ trình: Từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong HĐLĐ. Đến năm 2018, mới thực hiện đóng BHXH với cả các khoản bổ sung khác ghi trong HĐLĐ. “Như vậy, thời điểm này, các khoản tiền thưởng, xăng xe, hỗ trợ nuôi con nhỏ, tiền nhà ở, sinh nhật... sẽ không đưa vào khoản đóng BHXH mà tập trung vào các khoản phụ cấp mang tính chất lương, có tính ổn định, lâu dài, không tính các loại phụ cấp biến động thường xuyên” - ông Tiến cho biết.
Vợ sinh con, chồng được nghỉ
Cụ thể, Luật BHXH bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.
Luật BHXH sửa đổi cũng bổ sung chế độ thai sản cho lao động nữ (LĐN) mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Theo đó, LĐN mang thai hộ (có tham gia BHXH) được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa bé cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa bé mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày (tính cả ngày lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần). Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Nhiều thay đổi trong cách tính lương hưu
Theo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, từ ngày 1-1-2018, để đạt được mức tối đa 75%, LĐN phải đóng BHXH đủ 30 năm và 35 năm đối với nam, đồng thời mức giảm trừ khi nghỉ hưu trước tuổi tăng lên 2%/năm. Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng đối với lao động nam vào năm 2018 là 16 năm, 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; đối với LĐN, từ năm 2018 trở đi tính bình quân 15 năm đóng, sau đó cứ mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%.
Tăng mức hưởng BHXH một lần
Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng tăng mức hưởng BHXH một lần từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Cụ thể, cứ mỗi năm, NLĐ được hưởng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; hưởng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Bên cạnh đó, mức trợ cấp ốm đau đối với NLĐ mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày từ 45% lên 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; nâng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 25% lên mức 30% mức lương cơ sở.
Bình luận (0)