Nếu kể ra thì có lẽ kể một ngày cũng không hết những thói hư tật xấu ấy. Này nghen, nhiều ông ra đường, lỡ mắc đi vệ sinh, nhìn trước ngó sau không thấy ai, lập tức... tè luôn vô gốc cây hay tường nhà người ta.
Chuyện đi ra đường bị người chạy xe phía trước phun nước bọt vô mặt, chắc nhiều người cũng đã từng nếm trải.
Khu nhà tôi ở có 10 hộ nhưng chỉ 3 hộ đóng tiền vệ sinh cho nhân viên thu gom rác, còn lại cứ tối tối lén xách xuống đường vứt ra đó, không cần biết ai sẽ dọn dẹp. Mà họ khôn lắm, để xa xa nhà bên cạnh chứ không phải trước cửa nhà mình.
Đường phố là... nhà của ta nên ta cứ vứt đó, ai làm gì nào?
Còn mấy cái lỗ cống thì đúng là nơi chứa rác lý tưởng của nhiều nhà ven đường. Không tin, mọi người cứ thử khảo sát xem có cái miệng cống nào ở thành phố mình không có rác hay không? Thậm chí Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng trở thành nơi đổ rác!
Tai nạn giao thông luôn rình rập, nhất là ở nơi lưu lượng xe cộ đông đúc. Chính vì vậy nhà nước bỏ tiền ra xây cầu vượt để an toàn cho người đi bộ. Có cầu vượt nhưng có ai thèm đi đâu? Không tin mọi người lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM ở đường Nơ Trang Long thì rõ.
Chuyện vượt đèn đỏ khi không thấy bóng công an là... bình thường! Nếu mình không vượt thì sẽ phải đối mặt với 2 nguy cơ: Bị chửi là đồ khùng hoặc bị các xe chạy phía sau tông nát thây!
Đèn đỏ hả? Không ăn thua, vượt thôi!
Đi trễ là cố tật của người Việt Nam. Đám cưới mời 17 giờ thì 20 giờ mới đông đủ thực khách. Mời họp 8 giờ nhưng lác đác 10 giờ vẫn còn người vô ra. Chưa kể, nhiều dịp lễ lạc, tuyên dương khen thưởng, mời 8 giờ mà 10 giờ mới khai mạc vì... đài truyền hình chưa tới, các nhà báo chưa tới!
Có lần tôi đi Mỹ, được xếp lịch làm việc trong vòng 1 tiếng đồng hồ với một vị giáo sư của Đại Học Cornell ở New York. Dù người phiên dịch và hướng dẫn đã căn dặn phải đúng giờ nhưng 2 ông bạn đi chung đoàn là chuyên viên của một bộ nọ cứ cà rịch cà tang trễ hơn 30 phút. Tôi nhớ bác phiên dịch già buồn hiu lắc đầu: "Mình trễ là mình thiệt thòi. Nếu đi đúng giờ thì được 1 tiếng đồng hồ làm việc với người ta, mình trễ 30 phút thì chỉ còn lại có 30 phút. Hết giờ người ta đi chớ đâu có chờ mình".
"Đây là bệnh viện, chú ơi, đừng có phun khói thuốc vô mặt cháu"
Mới đây, có người thân nằm Bệnh viện Chợ Rẫy nên tôi phải túc trực ở đó mấy ngày. Dù khắp nơi có dán bảng "Cấm hút thuốc" nhưng có một bệnh nhân nằm trong phòng chăm sóc tích cực, vừa tỉnh dậy, ông ta nhìn dáo dác rồi móc điếu thuốc với cái hộp quẹt ra, bật lửa. Tôi thất kinh vì ở khu vực đó, mỗi giường bệnh đều có thiết bị thở ô xy. Tôi la lên, ông ta cười hề hề bảo tôi khó tính rồi vẫn tiếp tục bật lửa. Tôi chạy kêu y tá thì ông ta mới chịu thôi nhưng từ đó, nhìn tôi với "đôi mắt mang hình viên đạn".
....
Vì đâu nên nỗi? Chẳng lẽ không phải vì chính chúng ta? Đi du lịch qua Singapore các bạn có dám vứt rác bậy bạ không? Tôi thách đấy. Đi qua Mỹ, bạn dám nhai chewingum rồi phun phẹt xuống đường không? Tôi thách đấy.
Mà chuyện đó có phải tập huấn, bồi dưỡng gì lâu đâu? Chỉ cần người hướng dẫn nói qua một lần là các bạn nhớ hết và chấp hành răm rắp. Lý do là nếu vi phạm, sẽ bị phạt "sặc máu".
Ở mình cũng có quy định. Hút thuốc nơi công cộng sẽ bị xử phạt. Khạc nhổ bừa bãi, bị phạt. Tiểu tiện không đúng nơi đúng chỗ, bị phạt. Dắt chó ị ra đường, bị phạt... Nói chung là rất nhiều quy định nhưng người ta vẫn cứ vi phạm vì cho đến tận bây giờ, chẳng thấy ai phạt và cũng chẳng thấy phạt ai.
Bệnh "tiểu đường" đã trở thành mạn tính...
Câu hỏi đặt ra là lòng tự trọng của mỗi con người ở đâu? Và một khi ý thức chưa đạt đến mức độ tự giác thì phải cưỡng chế thi hành chứ lẽ nào lại chịu thua những thói hư, tật xấu ấy sao?
Nhiều người cứ hay đổ thừa vì cái này, tại cái kia. Thậm chí vô lý như kiểu con mình hư là tại... bà hàng xóm! Cứ như thế thì biết đến bao giờ ta mới xây dựng thành công một xã hội văn minh, hiện đại?
(Bài có sử dụng ảnh của đồng nghiệp và Internet)
Bình luận (0)