Mới đây, tại một buổi tiếp xúc giữa nhà trường với doanh nghiệp (DN), bà Lê Thị Thu Trang, đại diện Công ty Đại Phúc Gia An, cho biết hằng năm, công ty luôn tạo điều kiện cho sinh viên (SV) ngành quản trị kinh doanh vào thực tập. Là người trực tiếp quản lý, bà Trang đánh giá nhiều SV cũng như nhân viên chính thức vướng phải những lỗi sơ đẳng về ý thức kỷ luật, tác phong làm việc.
Thiếu ý thức, kỷ luật
Theo bà Trang, trong giờ làm việc, SV còn tụ tập nói chuyện riêng và ăn quà vặt. Dù quản lý liên tục nhắc nhở, các SV vẫn thản nhiên tái phạm. Do đặc thù công việc phải tiếp xúc với đối tác thường xuyên nên công ty yêu cầu cao về tác phong, kỹ năng giao tiếp của nhân viên. “Thế nhưng, lao động trẻ còn thiếu đầu tư cho những yếu tố trên. Vì vậy, nhà trường nên tập huấn thêm cho các em trước khi đi thực tập, tìm việc” - bà Trang góp ý.
Phụ trách nhân sự một công ty may (trụ sở đóng tại quận Gò Vấp, TP HCM) kể cách đây gần 1 năm, công ty mở chi nhánh sản xuất ở huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô gần 200 lao động (LĐ). Bộ phận tuyển dụng hết sức ưu tiên tuyển LĐ tại chỗ vào làm. Tuy nhiên, công ty lại gặp không ít rắc rối với lực lượng công nhân (CN) địa phương. “Hầu hết CN đều có quan hệ gia đình, hàng xóm nên có tinh thần đoàn kết nhưng lại thiếu tính kỷ luật. Thời gian đầu, họ thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của công ty. Chúng tôi từng đau đầu khi nhiều CN nghỉ việc đồng loạt chỉ để ở nhà ăn đám giỗ hoặc đám cưới mà không cần xin phép. Sau một thời gian dài áp dụng nhiều phương pháp quản lý, siết chặt kỷ luật thông qua lương, thưởng, công ty mới từng bước cải thiện tình trạng trên” - cán bộ này nhớ lại.
Vẫn “khát” lao động tay nghề
Không chỉ hạn chế về thái độ làm việc, thị trường LĐ TP HCM nói riêng và cả nước nói chung còn chưa cung ứng đủ LĐ có tay nghề cho DN. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy tỉ lệ LĐ qua đào tạo đang làm việc chiếm 59% tổng số LĐ trên địa bàn TP. Đây là con số cao so với nhiều địa phương nhưng lại rất thấp (đặc biệt là nhu cầu nhân lực chất lượng cao) so với yêu cầu chung của thị trường LĐ đang trong giai đoạn hội nhập. Tình trạng thiếu trầm trọng LĐ có trình độ cao vẫn diễn ra gay gắt. Thống kê cũng cho thấy 67% DN công nghiệp không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý, 68% DN không được đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của cán bộ kỹ thuật, trong khi lĩnh vực dịch vụ là từ 51%-52%.
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết không chỉ thiếu hụt LĐ động bậc cao, nguồn cung LĐ là CN kỹ thuật bậc thấp, nhân viên văn phòng, bán hàng và LĐ phổ thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Hằng năm, các cơ sở đào tạo cho “ra lò” hàng vạn CN bậc 3/7 song tỉ lệ thợ lành nghề tại DN chỉ chiếm chưa đến 20%. Hầu như các DN đều phải đào tạo lại, nhanh thì vài ba tháng, lâu lên đến cả năm. “Tôi từng thấy nhiều CN bậc 3/7 nhưng không thực hiện nổi một mối hàn đơn giản nhất, nói gì đến gia công những bộ phận máy móc tinh vi” - ông lo lắng.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để hội nhập với thị trường LĐ cũng như các lĩnh vực khác của quốc tế, nước ta cần chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế như công ước quốc tế về LĐ, việc làm, người khuyết tật… Tuy vậy, thị trường LĐ của nước ta vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ để phù hợp với yêu cầu hội nhập, thỏa mãn yêu cầu của đối tác.
Từ năm 2010-2013, nhu cầu tuyển LĐ trình độ trung cấp đã tăng gần 11%; cao đẳng cũng tăng 76,4%; đại học tăng 3%. Từ nay đến năm 2025, mỗi năm TP cần khoảng 270.000 vị trí việc làm, trong đó lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 31%.
Bình luận (0)