“Thực tế cho thấy ở đâu có thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tốt thì ở đó doanh nghiệp (DN) phát triển tốt và bình yên, ít xảy ra tranh chấp lao động tập thể. Thế nhưng, hiện nay, nhiều DN vì lợi nhuận, chỉ chấp nhận ký kết bản TƯLĐTT ngang bằng với luật. Điều này không sai nhưng không giúp ích gì cho sự phát triển của DN lẫn đời sống của người lao động (NLĐ)”. Đây là ý kiến của bà Trần Thị Hồng Thu - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Hóc Môn, TP HCM - tại buổi tọa đàm “Nâng chất hoạt động Công đoàn (CĐ) cơ sở thông qua việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT” do LĐLĐ huyện Hóc Môn vừa tổ chức.
Bản lĩnh trong gian khó
Đồng ý với nhận định của bà Hồng, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP, cho biết hiện tỉ lệ ký kết TƯLĐTT tại các DN trên địa bàn TP khá cao song vẫn còn nhiều DN ký TƯLĐTT với nội dung chủ yếu là sao chép luật; quy trình ký thỏa ước cũng chưa đúng. Cũng theo ông Khải, để ký kết được một bản TƯLĐTT đạt yêu cầu thì phải trải qua quá trình thương lượng lâu dài và phức tạp, đòi hỏi cán bộ CĐ phải có cái tâm với NLĐ và có bản lĩnh vững vàng.
Việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại Công ty Inyen Vina (100% vốn Hàn Quốc; huyện Hóc Môn, TP HCM) là một minh chứng. Ông Võ Xuân Ninh, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết: Khi công ty mới thành lập vào năm 1995, vì chủ DN không tuân thủ pháp luật lao động, không chịu thương lượng ký kết TƯLĐTT, CĐ cũng không được tạo điều kiện hoạt động nên công ty luôn bất ổn, tranh chấp xảy ra liên miên. Sau nhiều năm, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở trong việc vận động, thuyết phục, đến năm 2002, DN mới đồng ý ký kết TƯLĐTT.
“Ban đầu, CĐ chỉ đưa những điều khoản được pháp luật quy định vào thỏa ước để yêu cầu DN thực hiện. Sau khi DN đồng ý, CĐ tiến một bước là hướng đến thương lượng các khoản trên luật, chẳng hạn như phụ cấp, tiền thưởng, chế độ nghỉ mát... Nhờ vậy, đến nay công ty đã có được bản TƯLĐTT với nhiều quy định có lợi hơn cho NLĐ như được đóng BHXH trên mức lương thực nhận; được thưởng lễ, Tết, tăng lương hằng năm...” - ông Ninh hồ hởi.
Cả hai phía đều cần biết “hy sinh”
Một kinh nghiệm khác trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT được ông Nguyễn Đỗ Bách, Chủ tịch CĐ Công ty Công nghệ Thực phẩm Bảo Long, chia sẻ là bên cạnh bản lĩnh và sự “hy sinh”, cán bộ CĐ còn phải có cái tâm với NLĐ. Cái tâm thể hiện ở chỗ luôn dõi theo NLĐ để biết họ cần gì nhằm đưa ra những đề xuất xác đáng nhất với DN.
Ông Bách kể gần đây do tác động của suy thoái kinh tế, công ty gặp nhiều khó khăn khiến lương công nhân (CN) sụt giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ đó, vì mưu sinh nên nhiều CN đã nghỉ để tìm việc làm khác khiến DN vô cùng khó khăn, có nguy cơ không còn nhân lực cho sản xuất. Trước tình hình này, CĐ cơ sở đã đề nghị giám đốc cho CN được hưởng mức lương khoán thời gian (không phụ thuộc vào sản phẩm), giữ nguyên các chế độ phụ cấp và hỗ trợ luôn phần BHXH mà NLĐ phải đóng (10,5%). Đổi lại, CĐ sẽ nghĩ cách tạo việc làm cho CN trong thời điểm ít hàng.
Trước những phân tích hợp tình, hợp lý của CĐ, chủ DN không những chấp thuận mà còn đồng ý đưa vào TƯLĐTT. “Hiện nay, tình hình công ty vẫn còn khó khăn nhưng tinh thần làm việc của CN thì như sống lại. Chúng tôi đang nỗ lực cùng nhau làm việc, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới nhằm kéo công ty quay trở lại thời hoàng kim” - ông Bách tự tin.
Chọn nội dung trọng tâm khi thương lượng
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Nguyễn Văn Khải lưu ý: “Nội dung thương lượng phải xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Nên chọn nội dung được NLĐ quan tâm nhất để thương lượng. Sau khi thương lượng thành công sẽ dần hướng đến các nội dung khác. Quan trọng nhất là các nội dung về lương, thưởng, an toàn - vệ sinh lao động và các khoản phụ cấp đi lại, nhà ở, tiền ăn giữa ca...”.
Bình luận (0)