Ngày 4-10, thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết tính đến ngày 15-8 (hạn chót nhận hồ sơ theo quy định), UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của hơn 1,4 triệu lượt lao động với số tiền tương ứng là 972 tỉ đồng.
8/9 địa phương giải ngân xong
Theo ủy quyền của UBND tỉnh Bình Dương, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành chi trả vào ngày 31-8. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc chi hỗ trợ được gia hạn đến ngày 30-9. Đến nay, 8/9 địa phương trong tỉnh đã giải ngân xong, chỉ còn TP Thuận An chưa hoàn thành với số tiền tồn đọng hơn 21 tỉ đồng (khoảng 8%).
Ông Phạm Văn Tuyên cho biết Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương đã đề nghị UBND TP Thuận An có văn bản giải trình gửi UBND tỉnh, cam kết thời gian giải ngân. Qua đó, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản ấn định thời gian cụ thể cho địa phương này để tiếp tục thực hiện chi trả cho người lao động (NLĐ).
Còn khoảng 8% người lao động tại Bình Dương chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà
Theo ông Tuyên, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 6 cán bộ phụ trách việc phê duyệt, thẩm định hồ sơ của NLĐ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 08. Riêng TP Thuận An là địa phương có số doanh nghiệp (DN) và lao động nhiều nhất tỉnh nên gặp khó khăn trong quá trình giải ngân.
Giải trình về sự chậm trễ này, Phòng LĐ-TB-XH TP Thuận An cho biết qua triển khai thực hiện, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho hơn 2.700 DN và gần 387.000 lao động, với số tiền hơn 251 tỉ đồng. Đến hết ngày 30-9, phòng đã chuyển qua kho bạc giải ngân cho 1.848 DN với số tiền hơn 230 tỉ đồng, đạt 91,63%. Đến nay, còn 887 DN với số tiền hơn 21 tỉ đồng chưa kịp giải ngân.
Theo Phòng LĐ-TB-XH TP Thuận An, quá trình triển khai thực hiện Quyết định 08 tại địa phương gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân như: số lượng DN trên địa bàn quá nhiều nhưng thời gian để giải ngân quá ngắn; phòng chưa liên hệ được với một số DN để bổ sung chứng từ chuyển khoản (như bản cam kết chuyển khoản). Một số DN cung cấp số tài khoản, tên chủ tài khoản không đúng, dẫn đến không chuyển tiền đến được. Ngoài ra, một vài DN đã đóng cửa, chủ bỏ trốn không có mặt tại công ty…
Sẽ chi trả dứt điểm
Ông Phạm Văn Tuyên cho rằng khối lượng công việc của TP Thuận An gấp 10 lần một số địa phương khác. Ngoài ra, nhiều trường hợp công ty ở TP HCM nhưng chi nhánh ở Bình Dương nên việc nộp hồ sơ phức tạp hơn.
Ông Tuyên giải thích: "Giai đoạn đầu, theo quy định, DN phải nộp hồ sơ ở trụ sở chính, cụ thể là công ty ở TP HCM có chi nhánh ở TP Thuận An thì nộp tại TP HCM. Tuy nhiên, sau đó, Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn lại là DN ở địa phương nào thì nộp ở địa phương đó. Lúc này, nhiều DN có trụ sở chính ở TP HCM quay lại nộp hồ sơ tại TP Thuận An nên xảy ra chậm trễ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp để chi trả dứt điểm cho NLĐ".
Liên quan việc nhiều NLĐ nộp hồ sơ sau ngày 15-8 có được nhận hỗ trợ hay không, ông Tuyên cho biết trường hợp quên nộp thì không thể giải quyết. Trường hợp hồ sơ nộp trước ngày 15-8 nhưng chưa đạt và phải trả lại để bổ sung thì sẽ được xem xét.
"So với cả nước, Bình Dương là địa phương có số tiền giải ngân rất lớn, trong khi nhân sự khá mỏng. Thế nhưng, với quyết tâm làm ngày làm đêm, kể cả ngày nghỉ, đến nay, tiến độ giải ngân đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ".
Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Bình luận (0)