Thiếu đơn hàng hoặc sản xuất xong không thể xuất khẩu khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, 301 DN trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, với gần 175.000 công nhân (CN) bị ảnh hưởng.
Trong đó, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) là hơn 13.000 trường hợp; số lao động ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương gần 59.000 trường hợp; số lao động phải giảm giờ làm việc là gần 103.000 trường hợp. Công ty TNHH Giày An Thịnh (KCN Sóng Thần 1) cũng vừa quyết định cho khoảng 1.212 lao động nghỉ việc không lương hết tháng 9-2020. Công ty sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng và đóng BHYT cho số lao động này.
Còn lại khoảng 1.200 lao động dự tính cũng chỉ làm việc 18 ngày trong tháng 9-2020. Do thiếu đơn hàng, Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn II - Nhà máy Joon Sài Gòn (KCN Sóng Thần 1) đã phải tạm hoãn HĐLĐ với 700 CN từ ngày 30-9 đến 30-11. Công ty TNHH Đa hợp Evatech Việt Nam (thị xã Tân Uyên) tạm hoãn HĐLĐ với khoảng 300 CN chưa biết ngày nào đi làm lại...
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, tặng quà cho công nhân khó khăn
Sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định số 643/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công đoàn cấp trên cơ sở tại tỉnh Bình Dương đã chi hơn 2 tỉ đồng hỗ trợ hơn 4.000 đoàn viên.
Do thời gian hỗ trợ đoàn viên khó khăn chỉ được tính đến hết tháng 5-2020 trong khi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều người lao động bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ không hưởng lương trong tháng 6, 7 và 8-2020, nên LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết năm 2020.
Bình luận (0)