Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là sẽ không còn viên chức suốt đời như lâu nay. Quy định này được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là "an phận" đến già.
Chia sẻ trên Báo Kinh tế Đô thị, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng có nhiều hình thức cán bộ, công chức dùng "quyền công" vào "việc tư". Nhẹ nhất là tình trạng vào Nhà nước cho ổn định, tạo mối quan hệ, tìm chỗ đứng để tạo "cái uy" mà làm ăn bên ngoài. Người ta gọi đó là "chân trong chân ngoài", khi đã ổn định rồi thì thậm chí "chân ngoài dài hơn chân trong". Những người này thường không toàn tâm, toàn ý, đầu tư thời gian, công sức cho công việc chuyên môn là lẽ tất nhiên. Nặng hơn nữa là tình trạng cán bộ "lạm quyền" như vừa qua không ít cán bộ đã bị xử lý kỷ luật chính bởi sự "sa vào chủ nghĩa cá nhân" ấy.
Góp ý vấn đề này, bạn đọc Hoàng Sơ, mạnh dạn chỉ ra rằng có những công chức, viên chức cả năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng cuối năm vẫn dược đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Đúng ra để đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ thì trưởng phòng phải công khai nhiệm vụ trong năm giao cho cán bộ, công chức đó bao nhiêu đấy công việc và bao nhiêu đầu công việc hoàn thành đúng thời hạn qui định như vậy mới có cơ sở đẻ đánh giá hoàn hoàn thành hay không hoàn thành. Đây là nghịch lý cần sửa đổi"- Bạn đọc này, bày tỏ.
Theo bạn đọc Thanh Cường, khi bỏ biên chế suốt đời với viên chức, mừng nhất là những ai thật sự có năng lực làm việc. Còn lo là những ai "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Đồng quan điểm, bạn đọc Kim Dung cho rằng quan trọng vẫn là làm thế nào để thu hút người tài làm việc cho đất nước, tránh tình trạng con em cháu cha và bè cánh. Tương tự, một bạn đọc tên Nguyễn cũng ủng hộ nên bỏ biên chế suốt đời để những cán bộ, viên chức có năng lực thực sự được cống hiến, được trả lương đúng với giá trị lao động họ đã bỏ ra.
Ở góc nhìn xa hơn, bạn đọc Hồng Ngự, chỉ ra rằng vấn đề cần lưu tâm là làm sao nâng cao chất lượng công dân thông qua việc học tập, thi cử nghiêm túc, chọn ra người tài, lương tương xứng. "Có một số ngành nghề phải thi tuyển như ngành sư phạm, ngành y, những người trong công tác quản lý hành chính" – bạn đọc này, góp ý.
Bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức từ 1-7-2020
Luật Viên chức vừa được thông qua vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020.
- Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức.
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1-7-2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng
Việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với viên chức.
Bình luận (0)