Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Một trong những nội dung đáng chú ý là từ thời điểm luật có hiệu lực 1/7/2020, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Các đối tượng viên chức đã được tuyển dụng trước thời điểm 1-7-2020, cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.
Hết thời cứ vào Nhà nước là yên tâm?
Trao đổi với báo VOV, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, đơn vị xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội dự luật này, chủ trương này xuất phát từ thực trạng là, dù đã có cơ chế, quy định để đánh giá, đào thải đối với đội ngũ công chức, viên chức nhưng dường như từ trước đến nay rất khó làm, cứ vào được Nhà nước là yên tâm ở đó.
Trước kỳ vọng luật sửa đổi, bổ sung lần này sẽ góp phần giải quyết tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, ông Nguyễn Tư Long cho hay, đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ năng lực, phẩm chất… mà lâu nay vẫn gọi là “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Luật Viên chức 2010 đã có cơ chế để đào thải. Xét về mức độ hoàn thành công việc, cứ 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức thừa nhận, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều nể nang, cảm tính. Do vậy, một trong những nội dung của bộ luật sửa đổi lần này là giải quyết cho được các yêu cầu của thực tiễn, đưa các nguyên tắc đánh giá bằng định lượng, bằng sản phẩm, kết quả công việc cụ thể.
Bỏ hình thức biên chế suốt đời đối với công chức?
Trước ý kiến cho rằng cần phải bỏ hình thức "biên chế suốt đời" với cả đối tượng công chức, đặc biệt công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở UBND các cấp, bộ, ngành, thậm chí phải bỏ trước cả viên chức, ông Nguyễn Tư Long cho hay, công chức là người thực thi quyền lực Nhà nước, bản thân chế độ của công chức cũng có nhiều mô hình khác nhau, nhưng khi thực hiện quyền lực Nhà nước, người ta phải có một sự ổn định, đó chính là sự phân biệt rõ nhất tính chất hoạt động của công chức với đội ngũ những người lao động nói chung.
Quy định bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức tạo ra nhiều kỳ vọng
"Công chức là những người làm công việc rất đặc thù, không chỉ đòi hỏi năng lực, trình độ mà cả sự tận tụy, tính liên tục để bảo đảm các hoạt động hành chính được thông suốt.
Vì thế, đặc điểm lớn nhất trong nghề nghiệp của họ là sự ổn định, phải ổn định thì mới làm được những công việc đặc thù này. Cứ hình dung công chức mà nay làm chỗ này, mai làm chỗ khác, hoặc chỗ nào lương cao là đòi chuyển thì nền hành chính chắc không thể ổn định được", Phó Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức nói.
Dù vậy, ông khẳng định, ổn định không có nghĩa là suốt đời, không có nghĩa không có cơ chế để đào thải những người không đáp ứng được công việc.
Từ trước đến nay, chúng ta có cơ chế để đào thải công chức không làm được việc nhưng chúng ta chưa làm hết, không hẳn chỉ vì khâu đánh giá mà do chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thể chế.
Ví dụ, muốn đánh giá tốt anh phải xác định rất rõ về vị trí việc làm, nội dung này chúng ta cũng đang xây dựng và đang hoàn thiện. Muốn xây dựng được vị trí việc làm thì chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức phải tương đối hoàn thiện. Mà muốn có chức năng, nhiệm vụ hoàn thiện thì phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức bộ máy.
Có những nước người ta phải mất 10-20 năm để xây dựng hệ thống vị trí việc làm, kể cả doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi đầu tiên họ cũng phải xác định chức năng nhiệm vụ, mục đích định làm gì rồi tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó. Từ việc tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy, mới xác định cần những con người như thế nào, ở đâu, xác định vị trí việc làm.
Đối với Nhà nước cũng thế, vị trí việc làm là nội dung được làm rất quyết liệt, cùng với đó, bộ máy Nhà nước cũng đang được hoàn thiện ở các địa phương, bộ ngành. Do vậy chúng ta cần nhìn trong một tổng thể như thế, giải quyết mọi thứ dần dần chứ không thể đòi hỏi ngay lập tức phải có được một cơ chế đã hoàn thiện", ông Nguyễn Tư Long chỉ rõ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25/11 với 88,2% tổng số đại biểu tán thành. Luật có nhiều điểm mới, trong đó bỏ chế độ viên chức suốt đời, nhiều người đã hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm, xóa bỏ tư tưởng vào được cơ quan nhà nước là "ấm chân" đến già.
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít băn khoăn liên quan đến quy định này. ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, cái gốc của nâng cao chất lượng bộ máy không chỉ nằm ở hợp đồng làm việc ngắn hay dài. Kể cả anh có hợp đồng không xác định thời hạn nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng có quy định chuyển hoặc buộc thôi việc.
Gốc của vấn đề ở đây, theo ông Sinh, chính là sự duy tình trong đánh giá cán bộ. Thế nên đến cuối năm ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cả, thế thì, ngay cả khi hợp đồng từ dài hạn chuyển sang ngắn hạn, nếu vẫn cung cách đánh giá nể nang như trước cũng chưa chắc đã tìm ra viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy cái yếu ở đây chính là năng lực quản lý không tốt chứ không phải hợp đồng lao động ngắn hay dài. Chưa kể, chúng ta chưa lường đến tình huống nếu bỏ biên chế viên chức suốt đời thì hợp đồng thay đổi liên tục. Vậy ai ký, ký thế nào? Ai dám đảm bảo không có tiêu cực. Có khi người không ra gì thì được ký tiếp, còn người làm tốt lại không được ký. Điều này có nghĩa, việc bỏ biên chế suốt đời với viên chức phải được giám sát một cách thận trọng, tránh trường hợp xáo trộn, bất ổn, gây ra những hệ lụy không đáng có.
Đặc biệt, để tránh chuyện các cơ quan, đơn vị tranh thủ khoảng thời gian trước khi Luật có hiệu lực sẽ tranh thủ "né" quy định và "tăng tốc" ký các hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị mình để được hưởng chế độ viên chức suốt đời. Muốn tránh tình trạng này, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương, hợp đồng làm việc… để tránh những hệ lụy có thể xảy ra.
Bình luận (0)