Một vụ ngừng việc tập thể ở KCX Linh Trung 1 - TPHCM với yêu sách đan xen giữa quyền và lợi ích. Ảnh: Vĩnh Tùng
Bảo vệ nhóm người yếu thế
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Huỳnh Thành Lập, đại biểu Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng BLLĐ sau khi sửa đổi phải bảo vệ được nhóm người yếu thế là người lao động (NLĐ) bởi quy định hiện hành đã lạc hậu. Về quy định “tiền lương tối thiểu giờ”, ông Điều cho rằng việc ban soạn thảo đưa vào luật quy định này là cần thiết vì đáp ứng sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian. Lương tối thiểu giờ được tính trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu tháng và bao gồm đầy đủ các chi phí mà người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ làm theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ…).
Liên quan đến mức lương tối thiểu, ông Điều đề nghị việc tăng lương tối thiểu phải căn cứ vào mức sống tối thiểu của NLĐ. Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đắc Lâm, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho biết lương tối thiểu phải được tính đúng và tính đủ trên cơ sở khoa học để tạo điều kiện cho NLĐ có thu nhập ổn định.
Để bảo đảm quyền lợi của lao động nữ, nhiều đại biểu cũng nhất trí với quy định thời gian nghỉ thai sản là 4 tháng, tối đa là 6 tháng. Sau 4 tháng, NLĐ có thể đi làm; trong thời gian này NLĐ vừa hưởng tiền lương từ doanh nghiệp vừa được hưởng chế độ BHXH.
Giải quyết tranh chấp vẫn “tắc”
Đối với quy định của dự thảo BLLĐ sửa đổi cho rằng cần tăng giờ làm thêm, ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM, phản đối. Ông Danh cho rằng điều này đi ngược xu thế của xã hội văn minh. Mặt khác, NLĐ cần phải có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; việc tăng giờ làm việc là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn lao động. Ông Danh đề xuất giữ nguyên quy định về làm thêm giờ là 200 giờ và trường hợp đặc biệt cũng không quá 300 giờ/năm như hiện nay.
Về tranh chấp lao động, ông Danh cho biết dự thảo lần này vẫn không đưa quy định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền vào luật. “Vậy thì khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể về quyền, tổ chức nào sẽ tham gia giải quyết? Trong thực tế, rất khó xác định cuộc đình công như thế nào là về quyền, như thế nào là về lợi ích nên rất cần quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền” - ông Danh đặt vấn đề. Đồng tình với đại biểu Trương Lâm Danh, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết hiện nay tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích đan xen nhau, nếu không có quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thì khi xảy ra tranh chấp biết phải giải quyết ra sao?
Thúc đẩy nhu cầu thành lập Công đoàn Về vấn đề giải quyết tranh chấp lao động, theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế trung gian hòa giải (chuyên nghiệp) thay cho hội đồng hòa giải lao động cơ sở và hòa giải viên lao động hiện nay để thực hiện đúng chức năng hỗ trợ phát triển quan hệ lao động và giảm thiểu cơ chế can thiệp hành chính trong giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, phải bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc cho phép Công đoàn cấp trên trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở những nơi chưa có Công đoàn. Hướng đi này góp phần thúc đẩy nhu cầu thành lập tổ chức Công đoàn của chính NLĐ tại các doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. |
Bình luận (0)