Dẫn chứng trường hợp này tại một cuộc tọa đàm về nhân sự tổ chức ở TP HCM mới đây, ông Nguyễn Hiếu Đức, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo nhân lực Nhân Trí, cho rằng sự chênh lệch quá lớn giữa chỉ tiêu và kết quả thực hiện cho thấy năng lực của người đưa ra kế hoạch không đúng với thực tế. Từ đó, ông Nguyễn Hiếu Đức cho rằng bản thân mỗi người lao động cần có cái nhìn hết sức tỉnh táo về khả năng của mình, không nên hoang tưởng, nghĩ rằng mình là người “tài năng xuất chúng” một khi tài năng ấy chưa qua kiểm chứng.
“Nếu bạn đã từng rơi vào trường hợp tương tự thì nên nghiêm túc soi xét lại bản thân và thực hiện một số khuyến cáo sau đây của các chuyên gia lao động” - ông Nguyễn Hiếu Đức đề nghị. Các khuyến cáo đó là:
- Không huyênh hoang về khả năng của mình khi khả năng ấy chưa được chứng minh. Tục ngữ có câu “Thùng rỗng kêu to”, nếu bạn nói quá nhiều về những thứ chưa ai thấy được thì nhiều người sẽ mặc định rằng bạn như một chiếc thùng rỗng!
- Không đưa ra chỉ tiêu quá sức mình. “Liệu cơm gắp mắm” cũng là một lời khuyên hữu dụng trong trường hợp này. Sức mình bao nhiêu thì nên làm bấy nhiêu, đừng ảo tưởng, viển vông mà chuốc lấy thất bại.
- Không phê phán những thất bại của người tiền nhiệm. Những người đến sau thường có thói quen “vạch lá tìm sâu” sự thất bại của người tiền nhiệm để chê bai, dè bỉu. Hãy hình dung đến việc sau này, người khác cũng sẽ nói về bạn như thế để thấy đó là việc không nên làm.
- Nếu lỡ có thất bại thì hãy thẳng thắn thừa nhận chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Người sử dụng lao động luôn đánh giá cao những nhân viên dám làm, dám chịu.
- Nói ít, làm nhiều, làm hiệu quả là những đức tính luôn được người sử dụng lao động đánh giá cao. Đây là phương châm mà các bạn trẻ cần ghi nhớ để làm hành trang cho mình trên bước đường xây dựng sự nghiệp. Tóm lại, nôm na là “bớt nói lại và làm đi!”.
Bình luận (0)