Theo đó, Chính phủ sẽ bù tỷ lệ hưởng lương hưu lần lượt cho lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 là 8%; năm 2019 là 6%; năm 2020 là 4% và năm 2021 là 2%. Đây là việc làm thiết thực mang tính nhân văn chúng ta buộc phải thực hiện để giảm sự thiệt thòi cho lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 đến năm 2021.
Vì sao phải bù lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 là bởi, theo công thức tính lương hưu được điều chỉnh theo BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, số năm đóng BHXH để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% đối với lao động nữ là 30 năm từ năm 2018 trở đi, thay vì 25 năm như trước.
Việc điều chỉnh này bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng cũng như bảo đảm tốt hơn khả năng bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.
Tuy nhiên, việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định này đã làm ảnh hưởng tới hơn 91 nghìn lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch là đáng kể giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1/1/2018. Bởi theo tính toán, trong năm 2018 có 50 nghìn LĐ nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21 nghìn người có thời gian đóng BHXH từ 15 đến 30 năm, có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017. Còn nhớ, chính do tâm lý lo ngại bị thiệt thòi bởi chính sách nếu nghỉ hưu từ đầu năm 2018 đã góp phần vào việc gia tăng đột biến số người nghỉ "hưu non" năm 2017, với tỷ lệ tăng khoảng 10% so với năm 2016.
Vậy thì vì sao lại xảy ra cơ sự này. Rõ ràng trong quá trình thiết kế, ban hành chính sách về Luật BHXH đã có những điểm bất hợp lý. Còn nhớ, không chỉ điều luật gây bất công bằng liên quan đến việc nghỉ hưu của lao động nữ đã được các đại biểu Quốc hội băn khoăn khi bấm nút thông qua. Mà Luật BHXH năm 2014 kể từ khi được ban hành đến nay ít nhất đã có một số điều luật bị phản ứng ngay khi chưa có hiệu lực, bởi nếu được thực thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động.
Chẳng hạn, theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2014, người lao động không được nhận BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Quy định này sau đó đã gây bức xúc trong đông đảo NLĐ vì quyền lợi của họ bị hạn chế. Chỉ sau đó khoảng 7 tháng, QH thông qua Nghị quyết về việc sửa quy định tại Điều 60 của luật này, theo hướng cho người lao động được nhận BHXH một lần.
Trước khi QH thông qua nghị quyết nói trên, nhiều đại biểu bày tỏ "cảm thấy xấu hổ và có lỗi" khi bấm nút thông qua Luật này (trong đó có Điều 60). Chính những bất cập của Điều 60 không cho người lao động có quyền lựa chọn, đã khiến công nhân nhiều nơi phản đối dữ dội và ngừng việc để bày tỏ thái độ của mình. Vì vậy, thiết kế chính sách cần làm một cách bài bản hơn, tránh việc luật chưa vào thực tiễn đã phải sửa đổi.
Điều đáng buồn là không chỉ chính sách pháp luật vẫn có những bất cập và thiếu hợp lý mà ở cấp thừa hành còn gây ra những hệ lụy đáng buồn đối với người thụ hưởng. Với người lao động cả một đời làm việc, cống hiến, ai cũng mong muốn được nhận những đồng lương hưu tương xứng công sức bỏ ra suốt mấy chục năm dài. Lương hưu phải là khoản bảo đảm cuộc sống của họ khi về nghỉ ngơi, sống cuộc sống tuổi già. Do đó, thiết kế chính sách phải bảo đảm làm sao mức lương hưu đủ sống an nhàn, bảo đảm các nguyên tắc có đóng có hưởng và phải hết sức công bằng, minh bạch. Đặc biệt phải nhanh chóng sửa chính sách nếu phát hiện ra bất cập trong thực tiễn là việc phải làm. Việc điều chỉnh, bù vào tỉ lệ hưởng lương hưu cho lao động nữ cũng là một giải pháp cần thiết cần nhanh chóng thực hiện không để lao động nữ thiệt thòi.
Không để lao động nữ chịu thiệt thòi do chính sách ban hành, Chính phủ đã có phương án bù một phần thiếu hụt này trực tiếp vào lương hưu của người lao động. Việc bù lương hưu sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí khoảng 80 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nhưng đây là việc nên làm, phải làm.
Rõ ràng việc xây dựng giải pháp hỗ trợ, khắc phục hạn chế do Luật BHXH mới gây ra là để giảm thiểu tác động đối với số lao động nữ bị thiệt do thay đổi công thức tính lương hưu là cần thiết. Qua đó phần nào đảm bảo lộ trình hài hòa giữa lao động nam và lao động nữ, giữa các lao động nữ nghỉ hưu trước và sau thời điểm 1-1-2018.
Bình luận (0)