Ai cũng thấy lạ vì được về sớm, lẽ ra chị Mận phải vui mừng do có thời gian ăn cơm chiều cùng gia đình, chơi với con và xem lại bài vở của chúng.
Khi tôi hỏi chuyện, chị Mận than: "Có chỗ nào làm thêm buổi tối hay cuối tuần, chị chỉ em với. Không làm lấy tiền đâu cho 2 thằng nhỏ đi học hằng ngày? Gần Tết nên người ta rủ nhau cưới hay sao ấy. Vợ chồng em nhận đến 3 cái thiệp đám cưới trong công ty và của đứa em bà con. Tháng này, công ty lại không tăng ca mà còn cho nghỉ hết 3 ngày thứ bảy trừ vào phép năm".
Chị Mận làm ở một công ty lớn, có đơn hàng suốt năm và lịch tăng ca dày đặc nên thu nhập cũng ổn định. Công ty giao ước trong 12 ngày phép năm, CN được tự chọn nghỉ 6 ngày và công ty chọn 6 ngày. Các ngày nghỉ mà công ty chọn thường rơi vào thứ bảy khi hết đơn hàng. Được về sớm, được nghỉ phép, lẽ ra CN phải vui mừng vì có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động nhưng tại sao nhiều người lại rầu rĩ như chị Mận?
Viện CN - Công đoàn thuộc LĐLĐ Việt Nam vừa công bố khảo sát về tình hình đời sống, việc làm và thu nhập của CN. Cụ thể, qua khảo sát 816 gia đình 4 người, cả vợ chồng là CN và 2 người phụ thuộc, trung bình một tháng, mỗi hộ chi tiêu hết 9.038.000 đồng. Tức là mỗi người lao động nuôi một người phụ thuộc thì mức chi tiêu là 4.519.000 đồng, trong khi thu nhập trung bình của người lao động nhóm này là 4.716.500 đồng/tháng. Trong đó, tiền ăn trung bình 3,3 triệu đồng; tiền thuê nhà trọ 995.000 đồng; tiền điện, nước, gas 624.000 đồng; chi phí xăng xe, đi lại, điện thoại 593.000 đồng; chi phí học tập của con cái 1,34 triệu đồng; khám chữa bệnh, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ khoảng 760.000 đồng; đồ dùng cá nhân, trang phục 702.000 đồng và các khoản khác 750.000 đồng.
Để được mức thu nhập 4.716.500 đồng/tháng ấy, CN không thể không tăng ca. Tháng nào họ không tăng ca thì xem như tháng đó thu nhập hao hụt, phải ăn xài vào tiền dành dụm hoặc vay mượn. Điều đó lý giải vì sao được về sớm mà CN lại buồn rũ rượi như chị Mận, hàng xóm của tôi.
Bình luận (0)