Theo dự báo, tình trạng này sẽ còn bùng phát với quy mô lớn hơn nữa trong những năm tới nếu không có các biện pháp hữu hiệu từ phía cơ chế, chính sách.
Sa thải lao động để tiết kiệm chi phí bảo hiểm
Đánh giá về năng lực của lao động ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, ở độ tuổi 38 – 40 là thời kỳ chín muồi nhất về năng lực, trình độ và thói quen của con người trong sản xuất công nghiệp. Đây chính là giai đoạn mà người công nhân (CN) có thể sản sinh ra năng lượng làm việc tốt nhất.
Tuy nhiên, trong một cuộc điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn, tại các KCN – KCX hiện đang tồn tại một tình trạng khá phổ biến, đó là công nhân ở độ tuổi ngoài 30 phải nghỉ việc, đặc biệt là nữ CN.
Lý giải về tình trạng này, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết, hiện nay, doanh nghiệp (DN) tại các KCN-CX có nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ, vì họ sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí (như lương, BHXH). Mặt khác, DN lại có thể tận dụng được sức trẻ, khỏe của nguồn lao động này để tăng năng suất lao động. Nhiều DN thường "e dè" khi sử dụng lao động có thâm niên để tránh phải đối mặt với tình trạng CN đình công khi quyền lợi của họ không được đảm bảo vì những lao động này đã có sự am hiểu về tổ chức và pháp luật.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Phát triển hòa nhập cũng cho rằng, cũng có những DN sử dụng dây chuyền sản xuất công nghệ cao, yếu tố độc hại lớn, nếu lao động làm việc trong một thời gian dài sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, DN chỉ sử dụng công nhân trong một vài năm, sau đó sẽ chủ động chấm dứt hợp đồng lao động để không phải chịu trách nhiệm về sau.
Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía DN, cũng cần kể đến nhiều trường hợp công nhân ở các KCX-KCN xin nghỉ việc ở độ tuổi ngoài 30. Anh Thành (30 tuổi, quê Thanh Ba – Phú Thọ) đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại KCN Thăng Long chia sẻ, làm việc tại KCN tuy mức thu nhập ổn định nhưng không cao, không đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình.
Công nhân nữ là một trong những lực lượng lao động chính tại các doanh nghiệp ở KCN- CX hiện nay. Ảnh: CTV
Lại phải thường xuyên làm ca ngày, ca đêm khiến đồng hồ sinh học thay đổi liên tục, ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe. Thêm vào đó, áp lực công việc tại các công ty nước ngoài lớn, không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt nên CN sẽ tự xin nghỉ việc.
Cùng suy nghĩ trên, chị Nguyệt (32 tuổi, quê Thanh Hóa) đang làm CN tại KCN Thăng Long cho biết: "Sở dĩ CN nữ làm việc tại KCN thường xin nghỉ khi tuổi ngoài 30 vì ở độ tuổi này đa phần đều đã lập gia đình và có con nhỏ. Do đặc thù công việc tại KCN phải làm ca, làm kíp trong khi DN không đáp ứng được nguyện vọng thay đổi giờ làm việc nên CN sẽ xin nghỉ việc để dành thời gian cho gia đình. Một số khác thì do gia đình ở xa, không có điều kiện làm ở các KCN nên xin nghỉ để chuyển về quê".
Xét về bản chất của hiện tượng, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng, nguyên nhân mấu chốt là do thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất. Một vài năm tới, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tràn ngập ở Việt Nam, khi đó, số lượng CN bị sa thải sẽ còn rất nhiều. Vì CN tại các KCN chỉ được đào tạo để thích ứng ngay với công nghệ, kỹ thuật sản xuất của DN, họ chỉ biết làm một khâu trong toàn bộ dây chuyền sản xuất. Do vậy, nếu thay đổi một chi tiết hoặc một phần của công nghệ sản xuất thì sẽ phải thay đổi bằng một thế hệ lao động mới. Trong khi đó, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta chưa theo kịp yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, người lao động cũng không biết về cuộc cách mạng này, không biết về tính quy luật của đào thải lao động để chuẩn bị ứng phó. Dự báo, trong những năm tới, việc chấm dứt quan hệ việc làm ở độ tuổi trên 30 hay nói mạnh hơn là sự tan vỡ từng mảng của thị trường lao động Việt Nam có thể sẽ diễn ra dồn dập với quy mô lớn hơn.
Phải có chính sách hỗ trợ công nhân
Theo tài liệu của Tổ chức Plan International Việt Nam, kết quả từ một cuộc điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy, sau khi công nhân lao động tại các KCN - KCX nghỉ việc ở độ tuổi ngoài 30, có khoảng 43,1% làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong.
Đối với nữ CN, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do. Từ kết quả này có thể thấy, nước ta đang lãng phí nguồn nhân lực trầm trọng.
Để giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Phát triển hòa nhập cho rằng bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ kết nối công nhân lao động sau khi nghỉ việc tại các KCN - KCX với những thị trường lao động mới thì cần có giải pháp tác động để DN phải có trách nhiệm đến cùng đối với người lao động.
Nhà nước nên có chính sách khuyến khích về hỗ trợ vốn, có thể sử dụng một phần từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất dịch vụ hỗ trợ nhằm giải quyết việc làm cho CN ngoài 30 tuổi. Như thế, sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội hơn là đẩy người lao động ra thị trường.
Đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển các làng nghề, mô hình kinh tế trang trại để thu hút người lao động; Đưa công nhân tại các KCN nghỉ việc ở độ tuổi ngoài 30 trở thành đối tượng hướng đến của các chương trình quốc gia về việc làm, xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nguồn lao động để đưa đi xuất khẩu.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, Nhà nước cần phải quy hoạch đề án phát triển tổng thể, đào tạo lao động trước một thế hệ để có thể thích ứng ngay với những thay đổi về mặt công nghệ, kĩ thuật trong sản xuất công nghiệp – ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)