Chuyện chị Lan té ngã sẽ không gây phẫn nộ nếu như nguyên nhân không phải do cách hành xử thiếu văn hóa của một nhóm công nhân nam. Đó không phải lần đầu họ chen lấn, xô đẩy khi xuống nhà ăn. Ai cũng gấp, cũng muốn tranh thủ ăn xong để nghỉ ngơi một lát trước khi vào làm việc buổi chiều. Thế nhưng, trong khi nhiều công nhân xếp hàng để lấy phần cơm của mình thì có những kẻ chỉ thích chen ngang, xô đẩy người khác để giành chỗ. Hôm đó, người bị chen lấn, xô đẩy lại là chị Lan. Khi chị ngã, cái đám nhí nhố ấy vẫn tỉnh bơ bỏ đi để tiếp tục chen lấn chỗ bàn phát thức ăn.
“Mình phải viết đơn kiến nghị xử lý bọn vô văn hóa ấy đi. Ngày nào bọn họ cũng chen lấn như vậy. Muốn ăn sớm thì ra sớm, đằng này lại rề rà hút thuốc mãi...” - bé Linh tức tối. Chị Hiền bực bội tiếp lời: “Công ty có quy định xếp hàng trật tự, ai cũng chấp hành, chỉ có bọn đó là vô tổ chức, vô kỷ luật. Kiến nghị công ty đuổi cổ hết tụi đó đi”.
Khi tôi nói điều này cùng chủ tịch Công đoàn, chị rất chia sẻ với bức xúc của mọi người nhưng vẫn lưỡng lự: “Cho nghỉ ngay thì không được vì nội quy của công ty không quy định hành vi đó là sai phạm phải bị sa thải. Tôi cũng đã góp ý với họ nhiều lần nhưng cái tật lớn hơn cái tuổi, thói quen ăn sâu vô máu thịt rồi, khó sửa lắm. Tôi sẽ bàn với bên nhân sự để có biện pháp nghiêm khắc hơn”.
Sau buổi làm việc với Công đoàn và phòng nhân sự, những thanh niên kia đã bớt chen lấn, xô đẩy. Thế nhưng, chuyện khác lại phát sinh. Ăn xong, trong khi mọi người đều mang mâm cơm để vào chỗ quy định thì họ lại để nguyên trên bàn, ghế ngồi thì xê dịch ra giữa lối đi. Cô nhân viên phòng nhân sự ngồi cạnh tôi trong nhà ăn lắc đầu: “Hết hợp đồng, công ty cho họ nghỉ chứ kiểu cách ấy không chấp nhận được”.
Tôi nhìn những gương mặt trẻ măng của đám thanh niên loi choi, vừa mong họ mau đến hạn hợp đồng để tống khứ cho khuất mắt vừa thấy tội nghiệp bởi với tính cách ấy, làm việc ở đâu rồi chắc cũng sẽ bị cho nghỉ việc. Có lẽ khi ở nhà, họ được nuông chiều quá hoặc chẳng được dạy dỗ gì cả...
Bình luận (0)