Từ ngày 16-10, siêu thị "Phúc lợi đoàn viên - Union Mart" đi vào hoạt động tại khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Đây là mô hình do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Công nghệ - Thực phẩm IP thực hiện nhằm nâng cao phúc lợi cho đoàn viên - lao động.
Giúp công nhân tiết kiệm chi tiêu
Chứng kiến khó khăn của người lao động (NLĐ) trong việc tiếp cận lương thực, thực phẩm trong thời gian TP Đà Nẵng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, đã ấp ủ ý tưởng hình thành một siêu thị trợ giá cho đoàn viên, NLĐ. Sau thời gian nỗ lực kết nối với các nhãn hàng lớn, siêu thị "Phúc lợi đoàn viên - Union Mart" chính thức thành hình.
Công nhân phấn khởi khi mua sắm tại siêu thị “Phúc lợi đoàn viên - Union Mart”
"Đây sẽ là nơi phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm chất lượng với giá cả bình ổn cho NLĐ tại khu chung cư và các khu dân cư lân cận" - ông Trung cho biết.
Siêu thị có hơn 15 gian hàng bán đầy đủ các mặt hàng thực phẩm khô, tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngày khai trương, siêu thị thu hút rất đông NLĐ sống tại khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh và các khu nhà trọ gần đó đến mua sắm.
Là khách hàng đầu tiên, chị Nguyễn Hoàng Phương, công nhân (CN) Công ty TNHH Pi Vina, rất vui khi có siêu thị bán trợ giá cho NLĐ ngay khu vực mình sinh sống. "Thời điểm dịch bệnh bùng phát, việc mua hàng hóa khó khăn, do vậy tôi và nhiều đồng nghiệp chỉ mong tìm được nơi bán hàng giá rẻ, chất lượng tốt. Hôm nay, điều đó đã thành hiện thực khi tổ chức Công đoàn cho ra đời siêu thị này. Mong siêu thị sẽ có nhiều chương trình giảm giá cho NLĐ" - chị Phương tâm sự.
Đây là siêu thị "Phúc lợi đoàn viên" đầu tiên tại TP Đà Nẵng. Ông Hoàng Trọng Hòa, Giám đốc Union Mart, cho hay thời gian tới, siêu thị tiếp tục phối hợp cùng Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, các đối tác và nhãn hàng tổ chức nhiều chương trình phúc lợi, bán hàng ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng những chính sách tốt về giá sản phẩm. "Siêu thị còn trích lợi nhuận để xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ gia đình CN trên địa bàn" - ông Hòa cho biết.
Sẽ nhân rộng mô hình
Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho biết sau 2 năm bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, đời sống của NLĐ đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều CN mất việc, thiếu việc làm, thu nhập sụt giảm nghiêm trọng.
Siêu thị "Phúc lợi đoàn viên - Union Mart" là sự nỗ lực rất lớn của Công đoàn Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cùng các đối tác nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. Đây là mô hình điểm để các đơn vị học tập, từ đó nhân rộng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của NLĐ.
Tại lễ khai trương siêu thị, LĐLĐ TP Đà Nẵng đã trao 500 phiếu mua hàng (tổng trị giá 100 triệu đồng) cho CN có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhận phiếu mua hàng trị giá 200.000 đồng, chị Trần Thị Thơm, CN Công ty TNHH Matrix Việt Nam, phấn khởi: "Thực phẩm ở đây tươi ngon, giá bán cho CN ở mức hỗ trợ nên tôi đã mua được rất nhiều mặt hàng cần thiết. Từ nay, gia đình tôi đã có địa chỉ tin cậy để đến mua sắm". Trước niềm vui của CN, đội ngũ cán bộ Công đoàn TP Đà Nẵng cũng vui lây.
Sau khi TP Đà Nẵng nới lỏng các biện pháp kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và tinh thần NLĐ rất phấn chấn. Để bảo đảm thị trường lao động không đứt gãy, LĐLĐ TP Đà Nẵng lưu ý các cấp Công đoàn tích cực thương lượng với chủ doanh nghiệp xây dựng chế độ tiền lương, phúc lợi hợp lý.
"Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Dần, anh chị em CN cần sát cánh cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các cấp Công đoàn sớm xây dựng chương trình chăm lo Tết cho CN, ưu tiên đối tượng là người mất việc, thiếu việc làm do dịch bệnh nhằm giúp họ ổn định cuộc sống" - bà Đinh Thị Thanh Hà lưu ý.
Kết nối doanh nghiệp - người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng cho biết vừa tiếp nhận đăng ký nhu cầu tuyển dụng của 59 doanh nghiệp với 2.600 vị trí việc làm còn trống. Đây là tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất sau thời gian dài giãn cách xã hội. Các đơn vị hoạt động trong ngành may mặc có nhu cầu tuyển dụng lớn là: Công ty TNHH Max Planning Vina, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam, mỗi công ty tuyển 200 - 300 lao động. Riêng Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services chuyên gia công, sản xuất bo mạch điện tử tuyển khoảng 154 lao động.
Bình luận (0)