Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên", trong Tháng Công nhân (CN) lần thứ 13 năm 2021, ngoài tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) với giá ưu đãi từ 5%-50% so với giá thị trường, một số Công đoàn cấp trên cơ sở tại TP HCM còn chủ động mở rộng kênh hợp tác với các chủ nhà trọ, tổ CN tự quản. Với kênh hợp tác mới, chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên" ngày càng lan tỏa, đến gần hơn với đoàn viên, NLĐ khó khăn.
Tạo điểm nhấn chăm lo
Đơn vị điển hình trong đổi mới công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ là LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM. Hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống cho lao động ngoại tỉnh, mới đây, LĐLĐ quận đã ký kết hợp tác thực hiện chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên" với 2 chủ nhà trọ ở phường Sơn Kỳ.
Bà Phù Nhật Phượng, chủ nhà trọ (trái) và cán bộ LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM thăm hỏi công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn
Theo thỏa thuận, các chủ nhà trọ cam kết không tăng hoặc giảm giá thuê phòng 10% - 20%; thu tiền điện, nước đúng giá quy định; phối hợp LĐLĐ quận triển khai các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CN ở trọ. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP hỗ trợ vốn vay, giúp đoàn viên, NLĐ tự tạo việc làm và giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Chương trình càng có ý nghĩa hơn khi LĐLĐ quận tặng 2 góc học tập cho con CN khó khăn ở các tổ tự quản. Ông Bùi Văn Thảo - chủ nhà trọ số 63A Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), một trong 2 chủ nhà trọ tham gia chương trình - khẳng định việc hợp tác với tổ chức Công đoàn không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ mà còn với các hộ kinh doanh nhà trọ. "Nhiều năm qua, tôi luôn ổn định giá cho thuê, thậm chí giảm giá để san sẻ khó khăn với CN. Dịch bệnh kéo dài khiến đời sống CN thêm chật vật, lượng người thuê phòng cũng giảm. Tôi tin rằng việc phối hợp với Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo sẽ góp phần hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống, từ đó gắn bó lâu dài với khu trọ" - ông Thảo bày tỏ. Hiểu được ý nghĩa thiết thực của chương trình nên mới đây, 2 chủ nhà trọ ở phường Phú Thọ Hòa cũng đề nghị tham gia. "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chương trình đến 22 khu nhà trọ, tổ CN tự quản ở 9 phường khác" - bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, cho biết thêm.
Đưa vốn CEP về xóm trọ
Nhằm đẩy mạnh công tác trợ vốn cho đoàn viên, NLĐ ở trọ, mới đây, LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM cũng đã cùng chủ nhà trọ (số 46 đường Bờ Sông, phường Tân Tạo A), UBND phường Tân Tạo A và Tổ chức Tài chính vi mô CEP Chi nhánh Bình Tân ký kết thực hiện chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên".
Theo thỏa thuận, ngoài hỗ trợ thông tin về hoạt động của CEP đến các tổ CN tự quản, LĐLĐ quận sẽ giúp đội ngũ cán bộ tín dụng CEP tiếp cận các Công đoàn cơ sở tại nơi NLĐ đang làm việc. Trách nhiệm của chủ nhà trọ là giới thiệu CN có nhu cầu vay vốn và hỗ trợ CEP thu nợ định kỳ. Riêng UBND phường sẽ hỗ trợ CEP tiếp cận, triển khai hoạt động vay vốn tại các nhà trọ và tổ tự quản cũng như xác nhận tạm trú cho CN. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho hay sau khi thực hiện thí điểm tại khu nhà trọ nói trên, LĐLĐ quận sẽ nhân rộng mô hình đến các tổ tự quản khác với mục tiêu hỗ trợ cho từ 100 đến 300 CN tiếp cận vốn vay.
Bà Phù Nhật Phượng, chủ nhà trọ số 46 đường Bờ Sông, cho biết bà có hơn 70 phòng cho thuê với gần 200 CN ở trọ, đa số là CN ngoại tỉnh. Do thu nhập bấp bênh nên không ít trường hợp đã phải vay "tín dụng đen" với lãi suất cắt cổ dẫn đến mất khả năng chi trả, lâm vào cảnh bế tắc. "Việc hỗ trợ CN tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, lãi suất thấp như CEP là rất thiết thực, giúp họ thoát khỏi bẫy tín dụng đen" - bà Phượng chia sẻ. Không thể diễn tả niềm vui của lao động ngoại tỉnh khi hay tin chương trình hỗ trợ vay vốn CEP sẽ được triển khai tại khu trọ.
Chị Châu Ngọc Diễm - CN một doanh nghiệp ở quận Bình Tân - cho biết chị đã ly hôn, có 2 con nhỏ do chồng nuôi dưỡng. Hằng tháng, chị sẽ gửi chi phí nuôi con cho chồng cũ. Giữa năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công việc ít đi, thu nhập của chị sụt giảm. Để có tiền lo cho con, chị phải vay ngoài với lãi suất cao, đến nay vẫn chưa trả hết nợ gốc. "Tôi mong chương trình sớm được triển khai để thoát cảnh nợ nần, ổn định cuộc sống trước mắt"- chị Diễm bộc bạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Kỳ tới: Vì sức khỏe đoàn viên
Bình luận (0)