. Phóng viên: Vì sao tham gia hiệp định thương mại mà Việt Nam lại phải đồng ý thực thi cam kết về lao động, thưa ông?
Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
- Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: Việt Nam không tạo ra luật chơi mà đang tham gia cuộc chơi. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Bắc Mỹ luôn có các điều khoản về lao động. Các căn nguyên ban đầu của FTA là đàm phán để đưa các hàng rào thương mại thuế quan về 0, tạo sân chơi công bằng, không rào cản. Công bằng ở đây là chi phí đầu vào phải bằng nhau, chẳng hạn phải mua nguyên liệu theo giá thị trường. Lao động là yếu tố đầu vào quan trọng quyết định giá thành sản phẩm cũng phải bình đẳng. Bình đẳng ở đây không có nghĩa tiền lương một giờ công ở Malaysia và Việt Nam phải bằng nhau mà là tiền lương sẽ do thị trường ở đó xác định trên cơ sở thương lượng và thỏa thuận. Muốn như vậy phải có các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) đứng ra thương lượng. Bản chất cuối cùng của các cam kết lao động là các nước không được hạ thấp tiêu chuẩn lao động nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách hạ thấp quyền lợi của NLĐ.
. Các cam kết riêng và ưu đãi dành cho Việt Nam là gì ?
- Nguyên tắc đàm phán FTA là các nước tôn trọng hiến pháp và thể chế chính trị của nhau. Trong 8 nội dung về lao động mà Việt Nam và các nước phải điều chỉnh luật pháp, có 7 nội dung tương thích với luật pháp nước ta: thương lượng, lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử, lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động. Điều chưa tương thích là giải quyết vấn đề quyền của NLĐ trong thành lập tổ chức đại diện. Chương 19 CPTPP về lao động giữ nguyên nội dung như trong TPP. Trong cam kết chung, các nước cam kết dành cho Việt Nam những lộ trình linh hoạt như: thành lập tổ chức đại diện NLĐ không thể tràn lan, làm rối sản xuất mà phải khoanh vùng khu trú cụ thể trong từng doanh nghiệp (DN) và trong quan hệ lao động. Các nước còn đồng ý cho Việt Nam khoảng thời gian chuyển tiếp. Tính từ ngày 14-1-2019, sau 3 năm, nếu Việt Nam vi phạm các cam kết chung trong Chương lao động hoặc 5 năm nếu có vi phạm với quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể, các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại.
Các cam kết về lao động trong CPTPP buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm pháp luật lao động. Ảnh: KHÁNH AN
. Cơ chế thực thi như thế nào nếu các nước vi phạm cam kết?
- Cơ chế thực thi của CPTPP là khá chặt chẽ thông qua việc hình thành các thiết chế ràng buộc quốc gia, đó là các đầu mối quốc gia thực hiện các cam kết. Đối với Chương lao động, đầu mối quốc gia của Việt Nam về thực thi cam kết lao động sẽ nằm ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo cho các nước trong vòng 90 ngày kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Chức năng đầu tiên là tiếp nhận đơn thư công chúng. Ở đây có một điểm mấu chốt khi công chúng ở các nước thành viên CPTPP có thể gửi đơn khiếu nại đến các đầu mối quốc gia ở tất cả nước thành viên nếu họ muốn, chứ không chỉ gửi đến đầu mối quốc gia của nước mình. Tình huống một người ở nước A có khiếu nại về việc họ bị cản trở khi thực thi quyền của NLĐ thì họ có quyền gửi khiếu nại đó đến đầu mối quốc gia ở nước khác, ví dụ như nước B chẳng hạn. Tiếp đó, các đầu mối quốc gia giữa 2 nước bắt đầu trao đổi thông tin với nhau. Nếu có tố cáo vi phạm, sau 30 ngày, đầu mối quốc gia ở nước A phải phản hồi lại việc xác minh thông tin, thụ lý, xử lý vấn đề. Nếu hai bên đồng ý thì kết thúc. Nếu chưa thỏa mãn sẽ đối thoại lao động và cơ chế tham vấn lao động. Nếu các quốc gia vẫn không thống nhất thì tiếp tục nâng lên cơ chế giải quyết tranh chấp theo chương 28. Khi có phán quyết xác định nước A vi phạm, nước B có quyền đình chỉ ưu đãi thương mại hoặc trừng phạt thương mại.
. Việc thực thi các cam kết CPTPP sẽ gia tăng sức ép buộc các DN phải chấp hành nghiêm pháp luật lao động?
- Đây là sức ép rất tốt để các DN thực hiện nghiêm túc các vấn đề lao động. Để tránh gia tăng thanh tra, kiểm tra DN liên tục, thông tin phản ánh các vụ việc đến đầu mối quốc gia sẽ được chia thành nhiều cấp độ và chuyển đến các cơ quan địa phương. Sức ép thực thi nghiêm túc còn tạo ra với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động. Trong cam kết CPTPP có quy định về tăng cường năng lực thực thi pháp luật của quốc gia. Một mặt phải rà soát, sửa đổi bộ sung luật và các quy định dưới luật. Mặt khác, việc tổ chức thực thi nhấn mạnh đến tăng cường năng lực thanh tra lao động.
Bình luận (0)