Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN”.
Báo cáo khu vực này là hoạt động thuộc Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình di cư an toàn và công bằng, thuộc chương trình hợp tác giữa ASEAN, ILO và Ban thư ký ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, trong đó di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới 1/3 trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022.
Từ trái qua, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti chủ trì công bố Báo cáo.
Lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho nước tiếp nhận lao động và cả nước phái cử lao động, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ, tăng cường kỹ năng và tăng trao đổi ngoại tệ.
Báo cáo cũng đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên ASEAN, các quy định cụ thể dành cho lao động nữ và tác động tới nữ lao động di cư.
Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp, chính sách quốc gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới, thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.
Ông Ekkaphab Phanthavong - Phó Tổng thư ký ASEAN về Cộng đồng Văn hóa và Xã hội cho rằng, về tổng thể, lao động di cư giúp giảm nghèo đói, tăng cường cho từng quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, nữ lao động di cư vẫn còn phải chịu nhiều bất công, đối mặt với nhiều rào cản từ các định kiến giới. Lao động nữ di cư tập trung nhiều vào công việc mang lại giá trị thấp như nhân viên chăm sóc, giúp việc gia đình, ...
"Các quốc gia cần bảo vệ nữ lao động di cư tốt hơn thông qua quá trình lập pháp, đẩy mạnh hỗ trợ lao động di cư là nữ giới để đảm bảo công bằng và bảo vệ họ khỏi các rủi ro như xâm hại hay lạm dụng. Báo cáo khu vực này sẽ thúc đẩy đối thoại cũng như tối ưu hóa thông tin đầu vào của các quốc gia thành viên đối với vấn đề lao động di cư, nhất là nữ lao động di cư" - Phó Tổng thư ký ASEAN kiến nghị.
Bình luận (0)