Thông tin về tình hình lao động, việc làm 5 tháng đầu năm 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cho thấy đã có 509.903 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương tính đến ngày 31-5. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người (chiếm 54,79%).
Khó cầm cự
Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành có nhiều KCN, KCX như: Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người)…
Số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp (DN) công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như: dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Là ngành xuất khẩu chủ lực và tạo hàng triệu việc làm nhưng 5 tháng đầu năm có hơn 70.000 lao động dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc và 66.600 người bị giảm giờ làm.
Dệt may là ngành có tỉ lệ lao động mất việc cao trong 5 tháng đầu năm
Do vậy, nhiều lãnh đạo DN dệt may mong muốn có những chính sách hỗ trợ để giữ lao động, sớm phục hồi sản xuất. Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết trong bối cảnh hiện nay, DN cần nhiều gói hỗ trợ như thời điểm diễn ra dịch COVID-19.
Ông Tùng cho rằng vấn đề lớn nhất của các DN ngành dệt may hiện nay là thiếu đơn hàng, khiến họ chật vật trong việc giữ chân NLĐ. "Tham gia các nhóm của ngành dệt may, tôi thấy không ít DN đã rao bán tài sản rồi. DN lớn có thể cầm cự được, DN quy mô 500 - 1.000 lao động thì khó cầm cự" - ông Tùng nói.
Trước những khó khăn như vậy, rất cần Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ giúp DN giảm chi phí. Chẳng hạn như nghiên cứu đến gói tương tự gói của Ngân hàng Chính sách xã hội thời dịch COVID-19, tức là cho vay trong một khoảng thời gian nhất định với lãi suất 0% để trả lương. Theo ông Tùng, đây là chính sách rất thiết thực, nếu được chính sách này sẽ giúp DN rất lớn. DN sẽ tiết kiệm được chi phí tài chính, duy trì lương cho NLĐ, giữ nhân công, giảm áp lực lên an sinh xã hội.
Không tính tới lợi nhuận
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cũng đề xuất Chính phủ có chính sách cho DN giãn nợ đến hạn từ 6 đến 12 tháng, có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng Chính sách xã hội để DN trả lương cho NLĐ; có chính sách cho DN được lùi thời gian nộp BHXH, không tính lãi trong năm 2023.
Theo bà Xuân, mức độ sụt giảm đơn hàng của Lefaso hiện vào khoảng 30%. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút khiến những nhà máy, công xưởng không còn sáng đèn tăng ca, phải cắt giảm giờ làm, đã có những DN quy mô lớn phải cho lao động nghỉ việc vì không thể gồng nổi. Hầu hết các DN trong ngành đã phải giảm mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận trong năm nay.
Còn với NLĐ, nếu bị cắt giảm công việc hoặc mất việc đồng nghĩa họ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng đến cả gia đình. Đây chính là lúc cộng đồng DN và NLĐ cần được tiếp sức, thông qua các chính sách hỗ trợ thiết thực, để đưa DN sớm vượt qua khó khăn, NLĐ có việc làm.
Ở góc độ DN, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng không DN nào muốn giải thể, cắt giảm lao động trừ khi quá sức cầm cự. Hiện Công ty TNHH May mặc Dony đang nỗ lực để có thể duy trì sản xuất, có việc làm, thu nhập cho NLĐ chứ không tính đến lợi nhuận.
"Sức ép với DN trong duy trì việc làm đang ngày càng tăng dù đã nỗ lực bằng mọi cách. DN rất cần nhiều chính sách hỗ trợ vừa ngắn hạn vừa dài hạn, trong đó liên quan đến dòng tiền, thuế, phí... để DN yên tâm tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất và quan trọng hơn cả là giữ được việc làm cho NLĐ" - ông Anh bộc bạch.
Miễn học phí cho con lao động mất việc làm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) đề xuất cần có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia BHYT đối với học sinh là con công nhân khó khăn, mất việc làm trong năm học 2023 - 2024. Đại biểu cho rằng đây là hỗ trợ thiết thực cho NLĐ hiện nay, trước tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài, việc bỏ học của con công nhân sẽ khó tránh khỏi.
Bình luận (0)