Theo đó, 2 phương án được tính đến. Một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Hai là nữ sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, còn nam là 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng (dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021). Vậy độ tuổi nghỉ hưu nào là hợp lý đang là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm hiện nay.
90% lao động phổ thông không muốn tăng tuổi nghỉ hưu
Thực tế việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới. Và lý do phải bàn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này là nhằm ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, đồng thời để sử dụng tốt nguồn nhân lực; cân đối quỹ lương hưu và thực hiện bình đẳng giới.
Bởi từ năm 1961 đến nay, Việt Nam vẫn giữ quy định về độ tuổi nghỉ hưu là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, trong khi tuổi thọ tăng lên khá nhiều và chưa có sự điều chỉnh. Hiện Việt Nam đang có mức hưởng lương hưu cao nhất thế giới, với 75% mức lương bình quân thời gian đóng. Mức hưởng này cộng với thời gian hưởng dài sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí. Nếu giảm mức hưởng thì không phù hợp vì Việt Nam đóng BHXH trên nền lương thấp. Dự kiến đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là tính đến sự an toàn của quỹ hưu trí.
Ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, chúng ta phải nhìn câu chuyện hôm nay là chuẩn bị chính sách cho 15-20 năm sau. Đây là cả một quá trình cân đối quỹ. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, vấn đề tuổi nghỉ hưu không chỉ của riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu. Các nước đều có phương án khác nhau. Những nước phát triển, nước có dân số già cũng đã làm việc này rất lâu rồi. Vì thế các cơ quan làm chính sách, các cơ quan liên quan đều phải nghiên cứu, có phương án báo cáo Quốc hội, Quốc hội sẽ cân nhắc, quyết định.
Tuy nhiên, đại diện phía người lao động (NLĐ)- ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân cCng đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) lại cho rằng cần phải cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này. Bởi phần lớn ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu thuộc bộ phận làm việc trong các cơ quan nhà nước, những người làm công tác nghiên cứu. Còn 90% NLĐ trong khu công nghiệp, lao động phổ thông lại không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Cũng theo ông Thọ, hiện nay mỗi năm cả nước có 1 triệu lao động mới tham gia thị trường, chưa kể số lao động còn thất nghiệp cần việc làm. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến lao động chân tay bị thay thế bởi máy móc. Vì vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gia tăng áp lực cho thị trường lao động, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm cơ hội việc làm cho lao động trẻ. "Là người đại diện cho phía NLĐ, chúng tôi không hoàn toàn đồng ý thời điểm này tăng tuổi làm việc cho NLĐ vì mấy lý do. Thứ nhất, số lượng người bước vào tuổi lao động tức là vào tuổi 15-16 ở Việt Nam khá cao. Thứ hai, các em tốt nghiệp trường đại học, cao đẳng thì số này còn khoảng 300.000 chưa có việc làm. Điều nữa là cách mạng 4.0 diễn ra thì với tay nghề đang có của công nhân Việt Nam thì nguyên nhân đổ vỡ từng mảng của thị trường lao động sẽ diễn ra. Như vậy số thất nghiệp và không có việc làm bổ sung vào chỗ thất nghiệp sẽ tăng lên rất lớn"- ông Thọ phân tích.
Không nên điều chỉnh tất cả đối tượng
Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và để sử dụng tốt hơn nguồn nhân lực hiện có, đồng thời cân đối được quỹ lương hưu và thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải đảm bảo yếu tố sức khỏe của người lao động.
Mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đã là 73, nhưng chất lượng cuộc sống vẫn là vấn đề phải bàn. Vì vậy, theo ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và không nên điều chỉnh tăng cho tất cả các đối tượng. Người lao động ở những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động bị suy giảm khả năng lao động trong quá trình lao động không nên bàn tới điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần cân nhắc đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo. Nếu là lãnh đạo tăng tuổi nghỉ hưu thì nghỉ quản lý và chỉ làm chuyên môn.
"Những người có chức, có quyền, trừ những trường hợp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nhà nước cần sử dụng cán bộ lãnh đạo có chuyên môn cao, còn cơ bản các giám đốc hoặc các bệnh viện, nhà trường, tôi nghĩ đến tuổi nghỉ hưu là nghỉ hưu. Và sau khi nghỉ hưu có thể kéo dài thêm thời gian công tác, tối đa không quá 5 năm, có thể nữ đến 60 nam đến 65, làm chuyên gia giúp các em, các cháu là quá tốt. Điều quan trọng là không tham gia chức vụ lãnh đạo"- ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Nâng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 22 triệu người. Số lao động trong khối hành chính sự nghiệp là hơn 4 triệu người và khu vực công nhân, lao động trực tiếp có khoảng 18 triệu người. Do đó, câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng khả năng tác động đến từng đối tượng cụ thể.
Bình luận (0)