Theo khảo sát mới đây của Future Forum (Công ty Phần mềm Slack Technologies Inc., trụ sở tại Mỹ) trên 10.000 nhân viên văn phòng thì có 42% thừa nhận trong tình trạng kiệt sức. Đây là tỉ lệ cao nhất kể từ khi chịu tác động của dịch COVID-19, tình trạng này đang được xem là vấn đề báo động trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Quá tải với công việc
Chị Ngô Thị Lan Anh (29 tuổi) - nhân viên truyền thông của một công ty ở quận 7, TP HCM - vừa nộp đơn nghỉ việc vào giữa tháng 3-2023. Khi mới vào làm, chị xác định sẽ gắn bó với công ty ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, sau 5 tháng, chị quyết định từ bỏ, bởi chị phải dành quá nhiều thời gian cho việc của công ty và luôn trong tình trạng quá tải, mệt mỏi.
Môi trường làm việc tốt là chìa khóa thu hút và giữ chân người lao động
"Việc gấp, phát sinh nhiều buộc tôi phải thức đêm để hoàn thành. Chưa kể sếp thường xuyên bắt bẻ, tìm lỗi sai và chỉ trích nhân viên. Điều này khiến tôi dần mất đi động lực gắn bó" - Lan Anh kể và cho biết chị đang uống thuốc điều trị suy nhược cơ thể sau một thời gian dài rơi vào mệt mỏi, đau đầu; sau 2 tháng nghỉ ngơi sẽ tìm việc mới, ưu tiên những việc có thể cân đối được thời gian dành cho bản thân.
Theo Adecco Việt Nam, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một trong 2 nhân tố chính ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp của người lao động (NLĐ) năm 2023. Trạng thái cân bằng được đánh giá là nền tảng để duy trì sức khỏe tinh thần. Trên cơ sở đó tác động tới năng suất, hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm bớt nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần. Theo tính toán, 12 tỉ ngày làm việc bị mất mỗi năm trên thế giới do NLĐ bị trầm cảm và lo lắng. Con số này tương đương với mức thiệt hại 1.000 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia dự đoán sức khỏe tinh thần sẽ là mối quan tâm hàng đầu của NLĐ trong năm nay. Nhất là khi họ đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt việc làm, bất ổn về kinh tế, cùng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ. "NLĐ có khuynh hướng tìm kiếm 4 khía cạnh tại nơi làm việc: thể chất, tinh thần, trí tuệ và tình cảm. Việc thỏa mãn những yêu cầu này ảnh hưởng đến quyết định đến, ở lại, cống hiến với doanh nghiệp (DN) của họ" - ông Phan Sơn, Chủ tịch và chuyên gia trưởng Học viện Quản trị HRD Academy (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), nhìn nhận.
Chưa quan tâm đúng mức
Sau dịch COVID-19, người sử dụng lao động chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tinh thần của nhân viên. Bên cạnh đó, họ cũng ý thức môi trường làm việc có thể làm trầm trọng thêm hoặc ngăn chặn các thách thức liên quan tới sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe (tại TP HCM), vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức tại Việt Nam. Hầu hết chính sách phúc lợi cho nhân viên hiện vẫn tập trung vào chăm sóc sức khỏe thể chất. Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần mới ở giai đoạn đầu.
"DN có thể mời chuyên gia san sẻ kiến thức về sức khỏe tinh thần, nguyên nhân đưa đến các rối loạn tâm thần hay thực hiện khảo sát mức độ căng thẳng của NLĐ. Từ đó sớm nhận diện tình trạng của nhân viên và đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Việc xây dựng các chương trình liên quan tới sức khỏe tinh thần phải là ưu tiên cấp bách thay vì chỉ là một lựa chọn của DN" - bà Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, để làm tốt việc này, người sử dụng lao động cần gắn hoạt động quản trị sức khỏe tinh thần với một bộ phận chuyên trách. Riêng theo ông Phan Sơn, cảm xúc hạnh phúc trong công việc của nhân viên phụ thuộc rất lớn vào cách điều hành của quản lý trực tiếp, do đó đội ngũ này cần được đào tạo, tăng cường kỹ năng phát hiện để hỗ trợ nhân sự dưới quyền đang gặp khó khăn về tâm lý.
Khi nhân viên có thể tìm thấy niềm vui mỗi ngày đi làm, đương nhiên sẽ tác động tích cực đến hiệu suất công việc.
Ứng phó với căng thẳng
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe tinh thần là một trạng thái khỏe mạnh mà mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có đóng góp cho cộng đồng. Một công việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần tốt bằng cách cung cấp: sự bảo đảm về sinh kế; cảm giác tự tin; mục đích, thành tựu trong công việc và cơ hội phát triển các mối quan hệ tích cực.
Bình luận (0)