Chị Nguyễn Thị Dung (Phú Thọ), công nhân (CN) tại một doanh nghiệp (DN) thuộc KCN Bắc Thăng Long - Hà Nội, vừa xin nghỉ việc để đi học nghề làm mẫu tóc, với hy vọng chuyển đổi sang nghề mới có công việc ổn định hơn. Chị Dung chia sẻ: "Tất cả những người làm việc tại KCN đều biết tình trạng DN sẽ sa thải CN khi ngoài 30 tuổi với nhiều lý do như hết hợp đồng, công ty khó khăn phải cơ cấu lại sản xuất, hoặc chuyển đổi sang làm vị trí công việc khác để CN không chịu nổi áp lực xin tự nghỉ việc".
Tìm mọi cách gây áp lực với công nhân
Mới đây, công ty cũ cũng bố trí cho chị Dung sang vị trí công việc mới, nên khó khăn hơn trong việc dành thời gian chăm sóc con cái. Do đó, chị Dung đã chủ động xin nghỉ việc. "Hiện nay, tôi đang sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp và tranh thủ học nghề để tháng tới có thể đi làm trở lại, kiếm tiền nuôi con", chị Dung tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Dung đi học tạo mẫu tóc với hy vọng tìm việc làm ổn định hơn. Ảnh: Minh Vũ.
Chưa nghỉ việc như chị Dung, nhưng chị Quách Thị Hạnh, 34 tuổi (Tiên Lữ, Hưng Yên) cũng nơm nớp bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào. Chị Hạnh gắn bó với DN tại KCN Tiên Lữ này hơn 10 năm, do gần nhà. "Hiện lương của tôi là hơn 4 triệu/tháng, với mức sống tại quê nên khá ổn định. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, công ty liên tục thay lao động bằng người trẻ hơn ở những công đoạn đơn giản chỉ học việc 2-3 tuần là có thể làm việc; nhằm giảm chi phí. Những người gắn bó với công ty lâu như tôi, lương và phụ cấp được gần 6 triệu đồng/tháng, trong khi lại ít tăng ca; còn CN trẻ hơn chỉ khoảng hơn 3 triệu/tháng, chịu khó tăng ca, ít nghỉ. Gần đây, công ty có chính sách những ai trên 35 tuổi sẽ nhận trợ cấp một lần bằng 8 tháng lương. Nếu không nghỉ sẽ chuyển sang dây chuyền khác". "Mới đây, một người bạn đồng niên cùng xã làm tại DN trong KCN này nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất. Theo quy định của luật pháp, DN chỉ cần thông báo trước cho lao động 45 ngày. Do đó, người lao động luôn trong trạng thái bị cho nghỉ việc bất kỳ lúc nào", chị Hạnh chia sẻ thêm.
Mất việc đi bán hàng rong
Trước hiện tượng trên, Viện nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) đã khảo sát hơn 60 doanh nghiệp tại KCN- KCX trong cả nước. Kết quả cho thấy, khoảng 70-80% lao động nữ trên 35 tuổi tự bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng khi hết hạn …
Về nguyên nhân chính dẫn đến chấm dứt quan hệ lao động: 59,6% công nhân cho rằng lương thấp không đủ sống, 39% do áp lực công việc (tăng ca, định mức cao), 13,4% công việc nặng nhọc, nguy hiểm, 8,4% bị quấy rối tình dục, 16,4% bị chửi mắng, phân biệt đối xử, hơn 15% sức khoẻ không đảm bảo, mất sức lao động, 12,6% bị thôi việc, bị đuổi (không lý do), 11,8% về quê lấy vợ/chồng, chỉ có khoảng 10% do môi giới rủ hoặc bạn bè rủ bỏ việc.
Qua khảo sát của Viện nghiên cứu Công nhân – Công đoàn cũng chỉ ra, xu hướng sa thải người lao động trở nên phổ biến. Sau khi bị sa thải, khoảng 43% CN làm công việc tự do, 17,2% buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, đến hơn 82% là bán hàng rong và bán nước, hơn 12% làm công việc tự do.
Từ kết quả khảo sát trên, Viện nghiên cứu Công nhân – Công đoàn đưa ra cảnh báo, trong 6 triệu lao động làm ở KCN-KCX hiện nay, sẽ có khoảng 3 triệu lao động bị thay thế trong khoảng 2 đến 3 năm tới, khi bước ngưỡng tuổi ngoài 30. Nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ tác động lớn đến hệ thống an sinh xã hội. Điển hình là việc phản đối điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 về việc rút BHXH một lần. "Thực chất là phần lớn người lao động tại các KCN – KCX muốn rút BHXH 1 lần khi bị sa thải ở độ tuổi ngoài 30 khi không kiếm được việc làm khác", ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nhân – Công đoàn cho biết.
Còn theo một khảo sát của tổ chức Plan Việt Nam về nữ CN tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh- Hà Nội), nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long, thì có hơn 80% cho rằng công việc tại DN hiện tại mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau nghỉ việc; 53,3% cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn.
Tuy nhiên, đến nay chưa có một khảo sát, điều tra đầy đủ nào về vấn đề sa thải lao động ngoài 30 tuổi. Tất cả mới dừng ở việc ghi nhận hiện tượng và qua các khảo sát mang tính cục bộ. Do đó, từ hiện tượng này, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra cảnh báo để các cơ quan hữu quan sớm có chính sách để đảm bảo quyền lợi người lao động. "Thực tế, dù biết có hiện tượng sa thải CN nhưng các công ty đều lách luật ngay khi ký kết hợp đồng lao động nên đến nay chưa có cơ sở để xử lý DN nếu vi phạm sa thải lao động", ông Vũ Quang Thọ nhận định.
Bình luận (0)