Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong việc phát triển đối tượng tham gia, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin... Năm 2012, cả nước có gần 10,5 triệu người tham gia BHXH, BHYT; sau 5 năm, tính đến tháng 12-2017, đạt gần 80 triệu người. Riêng BHYT đạt trên 79 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 85,3% dân số.
Thời gian qua, người dân đã quan tâm hơn đến chính sách BHYT. Tuy nhiên, thực tế 70% người tham gia trong tổng số bao phủ đó là từ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Chỉ có 30% người dân tự đóng tiền, điều này thể hiện rõ sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước. Trong lĩnh vực BHYT còn khoảng 14%-15% trong số 2,2 triệu học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT nhưng chưa tham gia. Ngoài ra, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế ngày càng cao nhưng mức đóng lại rất thấp. Điều này gây áp lực cho các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Giải pháp tháo gỡ cho chính sách BHXH, BHYT tiếp tục phát triển vững chắc là tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về BHXH, BHYT. Cần phải làm rõ cho người dân hiểu đâu là vấn đề có tính chất ngắn hạn và dài hạn, đâu là vấn đề chia sẻ và không chia sẻ. Để tự dự phòng cho bản thân, người dân cũng phải nhận thức được phần nào được bao cấp, phần nào chỉ là hỗ trợ... Giải pháp quan trọng và mang tính quyết định là tổ chức triển khai, thực hiện, qua đó cơ quan BHXH phải lấy chất lượng tạo sự hài lòng để độ hấp dẫn của BHXH, BHYT mang lại hiệu quả. Các đại biểu cũng đề xuất trung ương cần quan tâm tới BHYT toàn dân và người cao tuổi tại nông thôn; đổi mới hình thức mua, cấp BHYT, nhất là đối tượng tự nguyện sao cho thuận lợi và thái độ phục vụ của cán bộ phải thay đổi.
Bình luận (0)