Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số
Diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số.
Đáng chú ý, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: Nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) đạt xấp xỉ 100% và trên 17 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, với tỉ lệ bao phủ 89% dân số hiện tại, số người tham gia BHYT đã vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tuy nhiên, còn 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Số người này thuộc những nhóm đối tượng như: Hộ cận nghèo; HSSV; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình...
Mặc dù nhóm đối tượng này đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30 - 70%, nhưng tổng số người tham gia vẫn không cao hơn bao nhiêu so với nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình với cách thức hỗ trợ khác và ít hơn. Ông Sơn cho biết, từ kết quả khảo sát thực tiễn của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, cũng như một số tổ chức quốc tế cho thấy, đối tượng cận nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở khi tham gia BHYT.
Một bộ phận người cận nghèo có tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn; thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT. Đối tượng HSSV, tỉ lệ tham gia BHYT đang cao hơn so với tỉ lệ tham gia BHYT bình quân chung. Ngay trong nhóm đối tượng này đang có sự chênh lệch về tỉ lệ tham gia giữa HS và SV và giữa các vùng miền. Hiện tại, tỉ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn so với học sinh.
BHYT - giúp người dân thoát khỏi “bẫy nghèo y tế”
Cũng theo ông Sơn, việc tham gia BHYT sẽ là “phao cứu sinh” giúp đỡ người dân thoát khỏi “bẫy nghèo y tế”, nếu không may bị mắc bệnh. Tuy nhiên, mỗi nhóm đối tượng lại có những đặc thù, điều kiện khác nhau. Để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, từ góc độ của cơ quan tổ chức thực hiện, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn. Ảnh: TK
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi. BHXH Việt Nam cũng sẽ đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt để đảm bảo tỉ lệ tham gia bền vững.
Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người lao động. Đồng thời, tăng cường công tác giám định BHYT, bảo vệ quyền lợi của người bệnh, ngăn ngừa và phòng chống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT, đảm bảo nguồn Quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả.
Cần xây dựng nhiều gói BHYT nhiều mệnh giá
Với tỉ lệ bao phủ BHYT hiện đã đạt 89% dân số, cho thấy hiện vẫn còn 11% dân số, với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân không thấy được tính hấp dẫn của chính sách BHYT; do chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt được như mong muốn và nhu cầu ngày càng cao. Để thu hút người dân tham gia BHYT thì Chính phủ đã có chỉ đạo BHXH Việt Nam triển khai xây dựng các gói BHYT nhiều mệnh giá.
Đề cập tới việc xây dựng nhiều gói BHYT nhiều mệnh giá, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đang phối hợp cùng Bộ Y tế thực hiện xây dựng những quy định, quy trình để làm sao ngoài xây dựng những mệnh giá gói BHYT khác nhau thì cũng phải có những gói quyền lợi tương ứng với mệnh giá đó.
Điều khó nhất là khi xây dựng gói BHYT với từng mệnh giá là phải tính toán được số lượng người tham gia vào gói đó để đảm bảo nguyên tắc là Quỹ BHYT phải được cân đối. BHXH Việt Nam cũng đang rất tích cực nghiên cứu, nhưng giải pháp trước mắt thì nên liên thông, kết nối với loại hình BHYT thương mại xây dựng các gói dịch vụ, ví dụ như gói BHYT chỉ chuyên chữa bệnh ung thư, hay BHYT cho gói dịch vụ sinh đẻ không đau…
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, nên thực hiện chính sách BHYT nhiều mệnh giá cho nhiều gói dịch vụ khác nhau, phù hợp với nhu cầu hàng ngày của người dân. Từ đó, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn khi tham gia các gói BHYT, tăng sức hấp dẫn đối với chính sách BHYT, giúp phát triển đối tượng một cách bền vững hơn.
Bình luận (0)