Lợi dụng người lao động (NLĐ) đang sốt ruột tìm việc làm để có thêm thu nhập dịp cuối năm, những kẻ lừa đảo đã tung ra nhiều chiêu thức vô cùng tinh vi để thu hút, dụ dỗ. Những mẻ lưới đó chủ yếu "giăng" trên các hội, nhóm mạng xã hội, từ các công ty đa cấp trá hình hay những kẻ lừa đảo có tổ chức.
Từ nỗi buồn ngày cuối năm
Chị Nguyễn Thị Th. (42 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) kể cách đây hơn 1 tuần, chị lên mạng tìm việc thì thấy một thông tin tuyển dụng khá hấp dẫn, rất phù hợp với mình. Chị gọi vào số điện thoại của người tuyển thì được hướng dẫn tải ứng dụng telegram để tiện trao đổi công việc. Công việc khá đơn giản, chỉ cần ngồi ở nhà, vào link quảng cáo sản phẩm của công ty gửi sẵn, bấm Like (thích), chia sẻ và chụp màn hình gửi vào nhóm để xác nhận. Cứ xong một ca làm với vài việc đơn giản như vậy, chị Th. được trả công từ 90.000 - 120.000 đồng mỗi ngày.
"Tôi được đưa vào một nhóm có hơn 30 thành viên được giới thiệu là sống cùng quận trên ứng dụng telegram để hỗ trợ nhau, chia sẻ với nhau. Mấy ngày đầu, tôi chỉ được làm các nhiệm vụ đơn giản và nhận lương đầy đủ. Đến ngày thứ 5, tôi nhận được yêu cầu nâng cấp "nhiệm vụ" để được chính thức trở thành nhân viên công ty, có hợp đồng lao động. Những nhiệm vụ này cần phải bỏ vốn để làm và nhận về ngay 30% hoa hồng. Cứ như vậy, trong 2 ngày, tôi bị cả nhóm phối hợp thao túng lừa 28,9 triệu đồng. Nửa đêm ngày thứ 7, tôi bị đá ra khỏi nhóm chat, khóa các kênh liên lạc. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa" - chị Th. thất thần nói.
Tương tự, chị Hồ Thị Trúc Nh. (38 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) nói khi lên mạng xã hội chị thấy một mẩu tuyển dụng nhân viên đóng gói hàng, mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng tùy, theo năng lực.
Thấy công ty gần nhà, chị Nh. gọi điện thoại ứng tuyển. Theo lịch hẹn, chị đến văn phòng công ty nằm trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12. Nhân viên phụ trách giới thiệu đây là công ty hàng đầu Việt Nam về mỹ phẩm cao cấp và thực phẩm chức năng trị được cả ung thư. "Họ nói tôi phải tìm hiểu về sản phẩm trong 3 ngày vì công ty có mấy chục loại. Trong quá trình học, tôi tận mắt chứng kiến những người từng là công nhân, có cả người khuyết tật làm việc rất thành công, thu nhập lên đến vài chục triệu đồng. Sau này tôi mới biết đó là những vai diễn" - chị Nh. kể lại.
Khi học xong, công ty bắt chị Nh. phải mua và dùng thử sản phẩm để trải nghiệm theo phương châm "mình không dùng sao mời khách hàng dùng". Cứ như vậy, chị Nh. lao vào đường dây bán hàng đa cấp lúc nào không hay. Đến khi tỉnh táo nhận ra thì chị đã nộp cho công ty gần 58 triệu đồng, cái chị nhận được là 2 áo đồng phục và mớ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Tiền tiết kiệm của tôi chỉ hơn 10 triệu đồng, số còn lại là vay mượn bạn bè nói là đi học nghề. Giờ không biết ăn nói sao với chồng con và bạn bè" - chị Nh. thở dài.
Tìm đến các ngày hội tư vấn hướng nghiệp cũng là cách để tìm được việc làm phù hợp, tránh bị lừa đảo
Đến địa chỉ tin cậy
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (quận 7, TP HCM), có 4 dấu hiệu để nhận biết "bẫy lừa đảo việc làm" mà NLĐ cần hết sức cẩn trọng, đó là: Thông tin công ty và công việc không rõ ràng; thông tin tuyển dụng sơ sài, luôn có lời chào mời hấp dẫn như "việc nhẹ, lương cao", "đi làm ngay", "không yêu cầu kinh nghiệm"...; không cần thử việc hay kiểm tra năng lực; yêu cầu đóng tiền trước, hưởng lợi sau. Khi có nhu cầu tìm việc làm, NLĐ cần tìm đến những địa chỉ uy tín như các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL), tổ chức Công đoàn cơ sở…
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng DVVL - Trung tâm DVVL Thanh niên TP HCM (Thành Đoàn TP HCM), cho biết đơn vị đang triển khai chương trình "Tháng tiếp sức và đồng hành cùng NLĐ" năm 2023 bắt đầu từ ngày 1-12 nhằm giúp NLĐ có việc làm, ổn định cuộc sống trước dịp Tết. "Hiện chúng tôi đang có hơn 3.000 đầu việc, từ lao động phổ thông đến có trình độ ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hơn 1.000 vị trí công việc đó đang được các doanh nghiệp chào mời tuyển dụng với lương trên 10 triệu đồng/tháng" - bà Thảo thông tin.
Theo bà Thảo, chương trình được triển khai đồng loạt tại tất cả văn phòng vệ tinh của trung tâm cùng với sự kết hợp thực hiện của tất cả Quận Đoàn, Huyện Đoàn trên địa bàn TP HCM. Mục tiêu của chương trình là nhanh chóng kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển được lao động phù hợp, NLĐ tìm được cơ hội việc làm. Ngoài giới thiệu việc làm cho NLĐ, trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp dành cho NLĐ để tự tin ứng tuyển công việc mới. Trung tâm cũng tư vấn pháp lý cho NLĐ liên quan đến quyền lợi tại công ty cũ và mới.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết đơn vị này đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ cũng như công an TP Thủ Đức, các quận, huyện tập trung theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm tất cả hành vi có dấu hiệu lừa đảo thông qua tìm kiếm việc làm, vay tiền... Công an TP HCM cũng liên tục tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Công tác này được triển khai đến 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Công an khu vực còn tổ chức họp khu phố để tuyên truyền, kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, tố giác, không để các đối tượng lừa đảo hoạt động.
Bình luận (0)