Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương cho biết 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 14.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động. Xảy ra tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới, một số DN không xuất được hàng trong khi một số khác gặp khó trong việc nhập nguyên liệu. Từ đó, kéo theo việc hàng ngàn công nhân (CN) thiếu việc hoặc mất việc làm.
Nhu cầu tuyển dụng tăng dần
Theo dự báo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, từ đầu tháng 10-2022 trở đi, nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tăng trở lại để đáp ứng các đơn hàng Tết. Ước tính từ đây đến cuối năm, các DN sẽ tuyển khoảng 5.000-10.000 lao động.
"Hiện có tình trạng thiếu lao động, nhiều vị trí việc làm vẫn chờ người tìm việc. Lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là chế tạo, chế biến, dịch vụ thương mại, kho bãi. Một số khu vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều như: thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một và TP Dĩ An" - ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho hay.
Người lao động khó tìm việc làm ở các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương
Một khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương mới đây cho thấy trong quý IV, một số DN như: Công ty CP Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH Polytex Far Eastern, Công ty TNHH Kolon Industries, Công ty TNHH Dong Hwa... có kế hoạch tuyển dụng với số lượng mỗi công ty từ 300-500 CN. Ngoài ra, vị trí nhân viên kho cũng cần từ 500-700 lao động làm việc tại các công ty dịch vụ kho vận.
Giám đốc một Công ty TNHH Da giày ở KCN Đông Hưng (TP Dĩ An) có gần 2.000 lao động cho biết sau những khó khăn về thị trường xuất khẩu, tình hình đơn hàng đã khởi sắc. "Chúng tôi vừa ký hợp đồng với một đối tác mới, bảo đảm việc làm cho toàn bộ CN đến sau Tết. Để bù đắp số lao động đã nghỉ việc trước đây, chúng tôi cần tuyển ít nhất 500 CN mới đáp ứng được đơn hàng" - giám đốc này cho biết.
Cảnh báo lừa đảo việc làm
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, lợi dụng thời điểm NLĐ khó tìm việc làm, nhiều tổ chức, cá nhân mạo danh công ty cung ứng lao động giới thiệu người vào làm thời vụ ở các nhà máy, sau đó lừa đảo lấy tiền lương.
Điển hình là trường hợp một nhóm CN ở thị xã Tân Uyên vừa gửi đơn phản ánh lên Thanh tra Sở LĐ-TB-XH về việc Công ty TNHH Cung ứng lao động Tấn Phát không thanh toán tiền lương cho họ. Tiếp nhận đơn thư của CN, Thanh tra sở đã gửi giấy mời giám đốc công ty lên làm việc nhưng không có kết quả vì DN này hoạt động không có địa chỉ và trụ sở làm việc. Qua vụ việc, Sở LĐ-TB-XH tỉnh khuyến cáo NLĐ có nhu cầu tìm việc nên đến các đơn vị giới thiệu việc làm có uy tín để tránh bị lừa đảo.
Nhằm hỗ trợ những lao động có cơ hội tìm việc, Trung tâm DVVL tỉnh đang tập trung giới thiệu việc làm cho những đối tượng có bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, online; kết nối việc làm với các tỉnh như: Kon Tum, Hà Giang cùng nhiều địa phương khác; trực tuyến kết nối nhu cầu cho DN và NLĐ... Trong 3 tháng cuối năm, ngoài tiếp tục mở các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, phối hợp với các chi nhánh tư vấn cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động, Trung tâm DVVL tỉnh còn tư vấn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc.
Bình luận (0)