Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định việc xây dựng một chương tố tụng lao động riêng trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Hiện nay, trong dự thảo trình Quốc hội chưa có một chương riêng về tố tụng lao động mà các quy định nằm rải rác ở một số điều, một số chương. Quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là tố tụng lao động có đặc thù, đặc trưng rất riêng biệt của quan hệ lao động. Trong quan hệ lao động dù có xảy ra tranh chấp thì hai bên có thể vẫn duy trì mối quan hệ nhưng một bên của quan hệ lao động là người lao động (NLĐ) luôn ở thế yếu (do bị chi phối bởi mối quan hệ chủ - thợ). Đặc biệt, chỉ trong tố tụng lao động mới có sự tham gia của các cấp Công đoàn (CĐ) - đại diện cho NLĐ và tập thể lao động mà tố tụng dân sự không có.
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu còn nêu thực tế dù Bộ Luật Tố tụng Dân sự đã quy định về ủy quyền cho CĐ giải quyết tranh chấp lao động nhưng thủ tục ủy quyền trong những vụ tranh chấp lao động tập thể vẫn còn phức tạp. Khi CĐ đại diện cho hàng chục, thậm chí hàng trăm NLĐ, có cùng nội dung tranh chấp lao động thì vẫn phải xin ủy quyền của từng cá nhân tại các địa phương. Quy định này làm cho quá trình tố tụng thêm phức tạp, gây khó khăn cho NLĐ, làm chậm tiến độ xử lý các vụ án lao động.
Số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy trong 2 năm gần đây, các cấp CĐ đã tham gia giải quyết khoảng 47.000 vụ tranh chấp lao động cá nhân, bảo vệ quyền lợi cho 109.088 NLĐ và đoàn viên CĐ. Bên cạnh đó, trong các vụ tranh chấp được giải quyết tại tòa án thì có hơn 95% vụ việc CĐ tham gia tố tụng, NLĐ thắng kiện.
Bình luận (0)