Anh Lê Hoàng Phong, công nhân (CN) sản xuất thức ăn tại một công ty ở Đồng Nai, cho biết vợ và cha mẹ anh Phong đều là CN tại một công ty giày da gần cầu vượt Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM. Do đó, anh cố gắng tìm thuê phòng ở gần công ty của vợ để cả nhà đi lại dễ dàng và an toàn nhưng tiêu chí đặt ra là "rẻ".
Tiền nào của đó
Sau một thời gian tìm kiếm, anh Phong cũng thuê được một căn phòng 6 m2, có gác lửng với giá 800.000 đồng/2 người, mỗi người ở ghép thêm sẽ thu thêm 50.000 đồng. Do phòng quá chật hẹp nên cha mẹ anh Phong chỉ ở ghép được một thời gian thì phải dọn sang phòng bên cạnh để tiện sinh hoạt.
Một khu nhà trọ công nhân ở ngoại thành TP HCM
Phong chia sẻ tiền điện hằng tháng là khoản chi phí khiến anh đau đầu nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chủ nhà trọ. Phong cho biết tháng vừa rồi vợ chồng anh phải trả 400.000 đồng trong khi phòng trọ của cha mẹ chỉ phải đóng 297.000 đồng. Đem thắc mắc hỏi chủ nhà trọ, thậm chí yêu cầu thay đồng hồ nhưng chủ nhà trọ chỉ ậm ừ. Lo lắng khác của anh Phong là tình trạng vệ sinh khu nhà trọ quá kém, phần do ý thức của người thuê trọ.
Chưa quen với không khí nhộn nhịp ở TP HCM nên chị Lâm Thị Thu Vân - CN một công ty giày tại quận Thủ Đức, TP HCM - muốn thuê chỗ trọ thật yên tĩnh với giá cả hợp lý. Qua giới thiệu của bạn bè, chị thuê được một phòng trọ ở phường Long Bình, quận 9 với giá chỉ 600.000 đồng/tháng.
Điều khiến chị lo lắng là khu nhà trọ ở khá xa chỗ làm, lại ở nơi vắng vẻ, hôm nào có tăng ca chị rất sợ. "Ở đây được cái không khí trong lành nhưng đi làm về tối, đường lại vắng nên tôi rất lo cho sự an toàn của bản thân" - chị Vân bày tỏ. Nước sinh hoạt ở phòng trọ chủ yếu là nước giếng khoan, bị phèn, do đó chị phải mua nước bình về nấu ăn.
Lo điện, nước, an ninh...
Hầu hết các khu nhà trọ đều có nội quy để bảo đảm giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi chung. Tuy nhiên, một bộ phận CN ở thuê vẫn chưa có ý thức tuân thủ và điều này làm ảnh hưởng đến không gian sống của cả tập thể.
Chị Minh Ngọc thuê phòng trọ ở Làng ĐH Thủ Đức. Diện tích khu trọ khá rộng nên chủ nhà trọ có làm cổng để phòng ngừa trộm cắp. CN ra vào phải tự đóng cửa để bảo đảm an ninh trật tự cho khu nhà trọ. Tuy vậy, theo chị Ngọc, rất nhiều CN hớ hênh, do đó đã xảy ra tình trạng kẻ gian bên ngoài lẻn vào khu nhà trọ trộm cắp xe máy của CN. Ở chung khu nhà trọ mà nhiều CN còn không biết mặt, nhớ tên nhau nên "hồn ai nấy giữ".
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, CN Công ty CP Sinon Việt Nam (Khu Công nghệ cao; quận 9, TP HCM) cho biết chị ngán nhất là ý thức của CN khi ở trọ. Nếu các khu nhà trọ khác có quy định chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, giải trí thì ở khu nhà trọ nơi chị ở, người thuê trọ chưa có khái niệm "giờ giới nghiêm". Chị cho biết trước đây có một đại gia đình thuê cùng một lúc 3 phòng sát nhau, lúc vui hay không vui họ đều làm phiền phòng bên cạnh: "Vui thì họ tụ tập ăn uống, hát hò rôm rả tới 23-24 giờ. Có hôm, gia đình còn thuê loa về hát karaoke cả đêm khiến anh em CN vừa bức xúc vừa mỏi mệt vì không thể nghỉ ngơi. Đến khi CN gọi điện báo chủ nhà trọ xuống can thiệp thì gia đình kia mới thôi làm phiền".
Còn nỗi lo của chị Ngô Thị Bích, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam, là nguồn nước sinh hoạt. Mười năm ở trọ, chị Bích phải sử dụng nước giếng, không bảo đảm vệ sinh. Chị Bích tâm sự: "Ở lâu rồi cũng quen, tôi chưa từng nghĩ đến chuyện dời đi chỗ khác. Vợ chồng tôi mong chủ nhà trọ hỗ trợ CN làm thủ tục mua nước sinh hoạt đúng giá để cải thiện chất lượng sống".
Bình luận (0)