Đối với công nhân (CN) ngoại tỉnh tại TP HCM, thuê nhà trọ luôn là khoản chi phí tốn kém nhất. Để kiếm được một phòng trọ ưng ý với giá phải chăng chưa bao giờ là chuyện đơn giản với CN bởi nơi hài lòng thì giá cao, chỗ vừa túi tiền thì quá xập xệ. Chưa hết, cứ mỗi dịp sau Tết, điệp khúc "tăng giá" của chủ phòng trọ khiến CN luôn trong tình trạng bất ổn chỗ ở, phải đối mặt chuyện chuyển đi nơi khác.
Phòng trọ liên tục tăng giá
Hơn 20 giờ, chúng tôi gặp anh Phan Đức Tiến (quê Quảng Trị) trên đường Lê Văn Khương, quận 12, TP HCM khi anh vừa xem một khu trọ gần đó. Anh Tiến cho biết đang chạy ngược chạy xuôi tìm phòng trọ mới và chỉ đi xem vào ban đêm vì công ty đã làm việc từ mùng 10 Tết.
"Trước Tết, tôi đã thanh toán hết tiền nhà trọ. Dự định sau Tết sẽ làm chỗ khác nên tôi nói nước đôi là có thể thuê hoặc không. Mùng 8 Tết, tôi quay lại thì bà chủ nói giá phòng lên 1,7 triệu đồng/tháng, tăng 200.000 đồng; giá điện nước không thay đổi nhưng tiền rác thì tăng 5.000 đồng, chưa kể tiền internet cũng tăng lên 50.000 đồng/người dùng. Tính ra, cả tiền điện nước nữa là hơn 2 triệu đồng/tháng. Như vậy vượt quá khả năng nên tôi không thuê tiếp nhưng đi lòng vòng 2 hôm nay cũng không thấy chỗ nào rẻ hơn" - anh Tiến cho biết.
Một khu trọ công nhân tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM
Chị em chị Hà Thị Như (quê Thanh Hóa) cũng đang đi tìm phòng trọ mới. Chị Như cho biết năm ngoái, 2 chị em thuê trọ trên đường Song Hành, quận 12 với giá bao điện nước là 1,5 triệu đồng/tháng. Trước Tết, chủ nhà thông báo năm 2018 sẽ tăng lên 2 triệu đồng/tháng.
"Chủ nhà nói sau Tết, khu trọ sẽ được lắp đặt camera, làm cổng chắc chắn và có khóa để bảo đảm an toàn. Đó là lý do giá phòng tăng lên. Em thấy cũng hợp lý nhưng với lương CN của 2 chị em thì số tiền chi cho nhà trọ như vậy quá lớn. Vì thế, em quyết định trả phòng và đi kiếm chỗ mới nhưng 3 ngày nay vẫn chưa tìm được chỗ nào rẻ hơn" - chị Hà nói.
Trong vai người thuê phòng, chúng tôi vào dãy trọ của bà Nguyễn Huỳnh Bé Ngân ở hẻm 606 Nguyễn Văn Quá, quận 12. Phòng khá cũ, rộng chừng 10 m2, có gác nhỏ. Bà Ngân cho biết giá năm trước là 2 triệu đồng/tháng nhưng ở dãy bên cạnh, phòng nhỏ hơn đã tăng 2,5 triệu đồng nên giờ phòng này có giá 2,3 triệu đồng chưa tính điện nước; đặt cọc 1 tháng và trả trước 1 tháng tiền nhà là vào ở. Chúng tôi chê giá cao và yêu cầu hạ xuống thì bà Ngân không chịu.
Đến những khu trọ khác trên địa bàn huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp..., chúng tôi nhận thấy giá thuê phòng trọ đều tăng, dao động từ 200.000 đến 500.000/phòng. Lý do mà đa số chủ phòng trọ đưa ra là tăng theo "giá thị trường" nhưng ai cũng hiểu là do "cầu vượt cung" sau Tết quá lớn với hàng chục ngàn lao động từ các tỉnh đổ về TP HCM làm việc.
Giúp công nhân ổn định chỗ ở
Thấu hiểu được những khó khăn của CN, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách hỗ trợ chi phí nhà ở cho họ. Trong đó, tiêu biểu là Công ty Sài Gòn Food, nơi có gần 2.000 lao động đang làm việc tại KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty Sài Gòn Food, xác định chỗ ở là rất quan trọng với CN nên ngoài việc xây dựng các khu lưu trú, ban giám đốc còn hỗ trợ một phần chi phí thuê trọ cho những người không ở trong các khu này. Hằng tháng, mỗi CN được hỗ trợ tiền thuê trọ 430.000 đồng. Với chi phí thuê trọ ở khu vực huyện Bình Chánh, TP HCM dao động 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, mức hỗ trợ này cũng phần nào san sẻ gánh nặng chi phí sinh hoạt của CN.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN - Thành đoàn TP HCM nhiều năm qua cũng đã nỗ lực tổ chức các khu lưu trú CN. Theo đó, trung tâm chủ động làm việc với các chủ nhà trọ để họ ổn định giá thuê phòng, giá điện nước cho những thanh niên CN được giới thiệu thuê lâu dài. Các khu lưu trú như thế đều phải đáp ứng đủ các tiêu chí về không gian sinh hoạt, an ninh, phòng chống cháy nổ... Hằng tháng, CN trong khu lưu trú đều có sinh hoạt chuyên đề do trung tâm đảm nhận nhằm nâng cao đời sống tinh thần, nâng cao kiến thức pháp luật...
Đến nay, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN đã tạo lập được 45 khu lưu trú ở nhiều quận, huyện. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để góp phần ổn định đời sống cho thanh niên CN tại các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM.
Bình luận (0)