Nhiều năm gần đây, hoạt động xuất khẩu lao động diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Đây được xem là hướng đi mới trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động dôi dư trong nước. Nhiều chương trình hợp tác lao động được Việt Nam ký kết với các nước đã mở ra cơ hội cho người lao động (NLĐ) được ra nước ngoài làm việc với mức thu nhập khá cao và ổn định. Tuy nhiên, không ít chương trình mới ký kết chưa triển khai hoặc triển khai có điều kiện lại đang được nhiều doanh nghiệp (không được cấp phép) quảng bá rầm rộ nhằm lừa đảo NLĐ.
Hứa hẹn và biến mất
Chị Nguyễn Thị Thương (24 tuổi, quê Long An) có lẽ là người đầu tiên bị lừa bởi chương trình lao động kỹ năng đặc định (KNĐĐ). Chị Thương cho biết sau khi nắm thông tin từ báo, đài, chị lên mạng tìm kiếm thông tin để đăng ký tham gia chương trình này. "Tôi đọc một mẩu quảng cáo trên website của một công ty ở quận 11, TP HCM. Tôi tìm đến nơi thì được tư vấn chương trình KNĐĐ này rất có lợi, như lương cao bằng người Nhật, được bảo lãnh chồng, con sang ở cùng, được gia hạn và đi làm nơi khác... Thấy hay nên tôi đóng 25 triệu đồng để làm hồ sơ học tiếng Nhật. Trọn gói cho đến khi tôi sang Nhật theo chương trình này là 190 triệu đồng" - chị Thương nói.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trước khi tham gia
Sau khi đóng tiền, chị Thương về nhà chờ hơn 3 tuần vẫn không thấy công ty gọi lên học tiếng Nhật như đã hứa hẹn. Quá sốt ruột, chị đến công ty và được thông báo chờ bởi chưa đủ người để mở lớp. Thương lại về quê và chờ thêm 20 ngày nữa vẫn không thấy động tĩnh gì. Lần thứ 3 quay lại công ty thì công ty đã chuyển đi, mặt bằng trở thành shop bán quần áo. Quá bất ngờ, chị lên mạng tìm hiểu và té ngửa khi biết công ty này mới vừa thành lập vào cuối tháng 5-2019 và không hề có chức năng phái cử lao động. Giờ công ty chuyển đi đâu chị Thương cũng không biết, các số điện thoại cũng không liên lạc được.
Không phải ai cũng đi được
Gần đây, Hà Nam nổi lên là địa phương có nhiều lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ. Theo đánh giá của địa phương, chương trình đã thu hút hàng ngàn lao động trong độ tuổi 30-55 quan tâm nộp hồ sơ xin đi. NLĐ ở một số địa phương lân cận như Nam Định, Thái Bình cũng đến nộp hồ sơ. Tuy nhiên, đây là chương trình mà Hà Nam ký kết với đối tác Hàn Quốc thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên chỉ có lao động có hộ khẩu tại tỉnh Hà Nam mới được tham gia.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chi phí để sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong 3 tháng chỉ khoảng dưới 20 triệu đồng. Công việc mà NLĐ sẽ làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu liên quan đến thu hoạch nông sản như hái táo, ớt, củ cải... Sau 3 tháng làm việc, NLĐ có thể "bỏ túi" 100 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), việc đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc thực hiện theo thỏa thuận ký giữa UBND cấp tỉnh của Việt Nam với chính quyền địa phương Hàn Quốc. Như vậy, chỉ có địa phương, đơn vị sự nghiệp của tỉnh có ký kết mới được triển khai, các công ty hay văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động không được phép tham gia chương trình lao động thời vụ.
Tính đến tháng 7-2019, mới chỉ có 4 địa phương là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Thái Bình chính thức ký kết với các địa phương Hàn Quốc và đã chạy chương trình. Như vậy, lao động có hộ khẩu ngoài 4 tỉnh, thành này sẽ không thể tham gia. Đây là chương trình lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, NLĐ không thể làm công việc khác. Visa cho chương trình này là visa C4, có thời hạn lưu trú 90 ngày và không thể chuyển đổi thành visa du lịch hay thương mại.
Dolab cũng cho biết mức lương cơ bản tối thiểu mà NLĐ nhận được khoảng 32 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền làm thêm giờ hay thưởng. Ngoài ra, NLĐ còn được đài thọ ăn, ở và vé máy bay ít nhất là một chiều. NLĐ sẽ phải chi một mức phí nhỏ, dưới 20 triệu đồng, tùy địa phương, để bù chi phí hành chính của địa phương đó.
Thế nhưng, trên nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, nhiều công ty quảng cáo rầm rộ chương trình này mà không xác định là của địa phương nào khiến nhiều người không hiểu rõ nên mắc bẫy. Một nhóm trên Facebook đã chia sẻ nhiều thông tin bị lừa đóng từ 10 đến 20 triệu đồng để tham gia chương trình nhưng sau khi nộp tiền, họ đã "mất liên lạc" với bên nhận tiền.
Người lao động phải tìm hiểu kỹ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho biết hiện chương trình lao động KNĐĐ chưa được triển khai do các thông tư hướng dẫn thực hiện còn trong giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến doanh nghiệp.
"KNĐĐ là một chương trình rất tốt mà Nhật Bản dành cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Đây chính là cánh cửa rộng mở cho một lực lượng lao động có tay nghề, trình độ và kỹ năng nhất định được sang Nhật rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ và sẽ trở thành lực lượng lao động chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai gần. Việc quản lý, vận hành chương trình này được hai nước và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam giám sát chặt chẽ. Tiêu chuẩn, điều kiện để tham gia chương trình lao động KNĐĐ sang Nhật là rất cao chứ không đơn giản như thực tập sinh. Vì thế, NLĐ phải tìm hiểu kỹ để hiểu rõ về chương trình trước khi quyết định nộp hồ sơ tham gia để tránh bị lừa gạt" - ông Sơn nhấn mạnh.
Bình luận (0)