Chỉ cần lướt qua một số trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay thực hiện một vài thao tác tìm kiếm việc làm đơn giản trên Google, hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn kết quả sẽ hiển thị trong vài chục giây. Hình thức tìm việc nhanh, gọn, dễ dàng này thu hút đông đảo sự quan tâm của giới trẻ, sinh viên, người cần việc. Người lao động chỉ cần lên trang tìm kiếm google gõ từ khóa "xin việc làm", "tìm việc làm" "tìm việc làm thêm" là ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt các trang web với rất nhiều công việc hấp dẫn…
Nhan nhản các "bẫy" việc làm trên mạng
Thanh Mai (Cao Bằng) đỗ đại học và xuống Hà Nội nhập học. Thấy bạn bè làm thêm để đỡ một phần gánh nặng cho gia đình, Mai cũng lên mạng tìm hiểu thị trường việc làm. Trong số vô vàn thông tin trên mạng, Mai bỏ qua loạt thông tin tuyển dụng với thu nhập thấp như: tuyển nhân viên chạy bàn 10.000 đồng/giờ", tuyển nhân viên bán quần áo 12.000/giờ" hay làm gia sư 30.000 đồng/ giờ…, cô gái trẻ dừng mắt và bị hấp dẫn bởi một thông tin tuyển dụng đầy hấp dẫn: Tuyển nhân viên bán vé máy bay gấp, lương 250.000 đồng/ca.
Liên lạc với số điện thoại được đưa lên mạng, tiếp chuyện Mai là một phụ nữ, bà ta nói nói công việc trên không yêu cầu hồ sơ, chỉ cần chứng minh nhân dân với lý lẽ "công ty tạo điều kiện và đơn giản hóa thủ tục để đi làm". Tìm đến văn phòng công ty, Mai trải qua cuộc tuyển dụng phỏng vấn chưa đầy 5 phút và được tuyển vào vị trí bán vé máy bay với mức lương 250.000 đồng/ca/2h. Chưa kịp mừng vì tìm được việc lương cao lại nhàn thì Mai đã được đề nghị nộp 250.000 đồng lệ phí mua đồng phục bán hàng, tiếp đó là 100.000 tiền làm thẻ, sau đó nộp bản công chứng chứng minh nhân dân, hộ khẩu và giấy khám sức khỏe và "về nhà đợi…gọi đi làm".
Tuy nhiên, đợi cả tháng trời vẫn không thấy ai gọi đi làm, gọi điện thì được trả lời tiếp tục đợi, đòi lại tiền thì được trả lời là đã may đồng phục và làm thẻ, không thể trả lại. Không đủ kiên nhẫn đợi cũng như không có thời gian để chạy đi chạy lại đòi lại 300.000 đồng đã nộp, Mai đành chấp nhận mất tiền.
Cũng như Mai, rất nhiều sinh viên đã bị rơi vào "bẫy" tuyển dụng ảo khi được yêu cầu đóng tiền để làm việc tại các chuỗi cà phê, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim, rồi các mô hình dạy làm giàu, kinh doanh online, bán hàng đa cấp… Điểm chung của những "nhà tuyển dụng" online là sử dụng các tài khoản mạng xã hội có đến vài ngàn bạn bè, hàng chục ngàn lượt follow (người theo dõi), nhờ đó tạo được sự tin cậy rất cao trong tâm lý của sinh viên, người tìm việc.
Những thông tin về việc làm xuất hiện trên mạng xã hội
Mạo danh tập đoàn lớn để lừa đảo tuyển dụng
Mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương vừa có thông báo về việc một số tổ chức, doanh nghiệp lừa đảo người lao động nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản. Theo đó, hiện nay có một số đối tượng hoặc tổ chức lợi dụng thông tin của người lao động đăng ký trên website của Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương để liên hệ giới thiệu việc làm với mục đích chiếm đoạt tiền và tài sản của người lao động.
Cách thức lừa đảo của các công ty, tổ chức này rất đa dạng như: Dụ dỗ người lao động tham gia các khóa học không có giá trị, không cấp chứng chỉ nhằm lấy tiền của người học; Tuyển dụng theo mô hình đa cấp: lấy tiền của người sau bù cho người trước, cung cấp thông tin mập mờ, các nội dung hứa hẹn đều là trao đổi miệng, không ký kết hợp đồng lao động (kể cả hợp đồng lao động thử việc), không thực hiện những lời hứa hẹn và các cam kết đúng như khi tuyển dụng; Sử dụng tên các công ty gần giống với các tập đoàn lớn để tạo sự hiểu lầm cho người lao động khi đến tìm việc và thường xuyên thay đổi tên doanh nghiệp.
Liên quan đến mô hình dạy kinh doanh, marketing online rồi mời người tìm việc tham gia khóa học, đóng tiền và cuối cùng là bán sản phẩm đa cấp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần cảnh giác với kiểu mập mờ, chiêu dụ người tham gia. Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngay lời quảng cáo đã đánh vào tâm lý muốn có nhiều tiền nhưng làm việc nhẹ nhàng của nhiều người. Hiện có rất nhiều mô hình kinh doanh đa cấp trá hình, dưới dạng khóa học, dạy làm giàu, kinh doanh bất động sản, đánh vào lòng tham làm cho người tham dự khóa học bị lôi kéo, thậm chí "phát cuồng" bỏ cả tiền đầu tư ban đầu, mua sản phẩm.
"Họ dùng kỹ thuật diễn thuyết, chiêu trò làm cho nhiều người bị cuốn hút, mất cảnh giác, tin một cách mù quáng vào tương lai sẽ giàu nhanh, còn làm gì để có thu nhập cao thì lại rất mơ hồ" - TS Đinh Thế Hiển cho biết
Các chuyên gia lưu ý hiện luật pháp không cấm mở các lớp dạy làm giàu, người tham gia không bị ép buộc nên cơ quan quản lý rất khó can thiệp, xử lý những trường hợp trên. Nếu những công ty này huy động vốn từ người tham gia rồi trả lãi suất cao, mời gọi người tham gia lôi kéo người khác để hưởng hoa hồng thì mới là vi phạm. Do đó, những người có nhu cầu tìm việc cần cảnh giác với lời mời gọi, chiêu dụ dạng này. Cần tìm hiểu rõ công ty đó hoạt động ra sao, kiếm tiền bằng cách nào… trước khi tham gia.
Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico thì cho rằng bản thân người có nhu cầu việc làm, đóng tiền tham gia các khóa học cần tìm hiểu rõ học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không...Tốt nhất là tìm việc ở các kênh chính thống như Hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm hoặc trực tiếp tại các công ty có uy tín và đủ tư cách pháp nhân.
Bình luận (0)