Tôi hỏi Chính: Có hối hận vì mất mấy năm học đại học không? Người sáng lập thương hiệu bánh cuốn Tây Sơn đáp: "Tôi không hối hận gì. Nhờ những năm học đại học bươn bả nhiều nghề để kiếm sống như phát tờ rơi, phục vụ nhà hàng tiệc cưới, quán ăn… đã giúp tôi tích lũy kinh nghiệm khởi nghiệp". Chính chọn món bánh cuốn Tây Sơn để khởi nghiệp vì những ám ảnh tuổi thơ: "Ở quê tôi bánh cuốn là món ăn có thể thay cơm. Tôi thèm món này lắm. Hồi ấy cũng mấy khi được ăn, tiền đâu mà ăn? ", Chính ngậm ngùi.
Hoàn cảnh khó khăn là động lực
Nguyễn Đình Chính sinh ra và lớn lên ở xóm 2, thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình có 6 anh chị em, cuộc sống khó khăn, vất vả. Ba mẹ anh tranh thủ ra ngoài đồng cả buổi tối, lao động dưới ánh trăng, những đêm không trăng, họ xách thêm cây đèn dầu để lấy ánh sáng. Gia cảnh nghèo đến mức, cái ăn không đủ, nấu một nồi cơm, 1 phần gạo, 9 phần mì, ăn chống đói. Từ cấp 1, Chính đã phải đi bộ hơn chục cây số để đến trường học. Trước khi đến trường, Chính còn tranh thủ chăn bò, có khi đi học trong tình trạng chưa ăn sáng, không ít lần cậu xỉu đi vì đói. Rồi Chính thi đỗ đại học.
Để đảm bảo việc học, anh bươn bả kiếm sống, bằng đủ thứ nghề, từ lao động trí óc tới lao động chân tay. Công cuộc mưu sinh nhọc nhằn giúp Chính sớm biết quý trọng đồng tiền và nuôi khát vọng kiếm tiền chân chính. Qua quan sát anh nhận thấy kinh doanh ẩm thực là mảnh đất còn nhiều tiềm năng ở Sài Gòn.
Học từ thất bại
Nguyễn Đình Chính tốt nghiệp đại học tháng 9 năm 2013. Thay vì đi xin việc, chàng trai trẻ hăm hở lập nghiệp bằng món ăn trong nỗi nhớ cồn cào của anh những năm tháng học tập và kiếm sống ở Sài thành. Đầu tiên, Chính trở về quê nhà tìm một người làm nghề nổi tiếng để học. Ở quê Chính, không còn nhiều người trẻ chọn làm bánh cuốn để mưu sinh (đừng nói khởi nghiệp) bởi nghe kém sang đã đành lại vất vả, cực nhọc. Có bằng đại học trong tay, không chọn nghề nhàn hạ, đi học nghề làm bánh cuốn, lựa chọn này của Chính khiến các bậc cha chú ra sức can ngăn. Anh buộc phải nói dối cha mẹ: Trong lúc tìm việc khó khăn, con cầm cự với nghề làm bánh cuốn Tây Sơn để kiếm sống qua ngày. Khi ba mẹ yên tâm phần nào, Chính bắt tay vào cuộc kêu gọi vốn đầu tư.
Bánh cuốn Tây Sơn.
Chẳng ai đặt niềm tin vào một chàng trai mới ra trường. Nhưng người thầy hướng dẫn đồ án tốt nghiệp đã cho anh một cơ hội, khi quyết định xuất vốn để anh kinh doanh. Nhưng chỉ trong vòng 8 tháng, thua lỗ nặng nề, cửa hàng bánh cuốn Tây Sơn đóng cửa. Chính kiệt quệ đến mức phải vay tiền bạn bè để về quê ăn tết. Thất bại đã dạy cho Chính một bài học trong kinh doanh: "Dục tốc bất đạt", vội vã mở cửa hàng khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường, khi số vốn trong tay còn mỏng, kinh nghiệm còn thiếu, vấp ngã không có gì lạ. Chính xin đi làm để có tiền trang trải cuộc sống và có vốn để khởi nghiệp lại. Năm 2015, Chính tiếp tục bán đặc sản quê hương, bánh cuốn Tây Sơn. Nhưng lần này anh cẩn trọng hơn, bài bản hơn. Qua mạng xã hội, qua phát tờ rơi… anh giới thiệu đến "thượng đế" món ngon quê mình. Thương hiệu bánh cuốn Tây Sơn chính thức được chào đời trong một căn nhà trọ, len lỏi đến các hội chợ lớn, nhỏ. Có ai ngờ, người sáng lập thương hiệu đồng thời cũng là đầu bếp chế biến kiêm nhân viên giao hàng. Ban đầu lượng bánh bán được rất ít nhưng tín hiệu khả quan qua từng tháng. Anh bắt đầu cần đến những người giúp việc cho mình. Đến năm 2017, nhu cầu thượng đế tăng cao, anh mở cửa hàng nhỏ và mau chóng phải chuyển địa điểm có diện tích lớn hơn mới đáp ứng được lượng khách mỗi ngày.
Bình luận (0)