Vài năm gần đây, làn sóng tuyển dụng kỹ sư Việt Nam từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Đây không chỉ là cơ hội để đội ngũ kỹ sư Việt Nam tiếp cận tri thức mới mà còn giúp họ cải thiện thu nhập, chưa kể cơ hội thăng tiến rộng mở.
Xây dựng thương hiệu kỹ sư Việt
Nhiều năm qua, Công ty TNHH Esuhai phát triển chương trình đào tạo và tuyển dụng kỹ sư làm việc tại Nhật Bản với mục tiêu "xây dựng thương hiệu kỹ sư Việt Nam". Theo đó, Esuhai tuyển chọn nguồn kỹ sư có năng lực và quyết tâm nghề nghiệp từ các trường đại học. Sau đó, họ được đào tạo bằng một chương trình đặc biệt được thiết kế riêng cho các kỹ sư Việt Nam theo chuẩn của Nhật để phái cử sang làm việc trong các tập đoàn lớn của Nhật.
Ba nhóm kỹ sư mà Nhật Bản đang cần rất nhiều từ Việt Nam là kỹ sư thiết kế và phát triển sản phẩm mới, kỹ sư quản lý và kỹ sư vận hành.
Để trở thành kỹ sư thiết kế và phát triển sản phẩm mới làm việc tại Nhật đòi hỏi kỹ sư phải có nền tảng kiến thức căn bản và năng lực tiếng Nhật tốt, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Với kỹ sư quản lý, ngoài năng lực tiếng Nhật phải tốt, ứng viên cần phải có kỹ năng quản lý và làm việc nhóm tốt. Còn với kỹ sư vận hành, nhóm này ở Nhật đang thiếu rất nhiều. Công việc của một kỹ sư vận hành dù không yêu cầu khắt khe hơn về năng lực chuyên môn song là cơ hội tốt để đội ngũ kỹ sư trong nước phát triển nghề nghiệp sau khi về Việt Nam làm cho các DN Nhật trên đất Việt.
Một nhóm kỹ sư theo học chương trình huấn luyện do Công ty TNHH Esuhai tổ chức
Kỹ sư sang Nhật làm việc ngoài cơ hội trau dồi Nhật ngữ còn có thể học hỏi kỹ thuật, cách thức quản lý trong nhà máy hoặc bộ phận để tạo ra những sản phẩm chất lượng. Đây chính là cơ hội để kỹ sư Việt Nam khẳng định đẳng cấp nghề nghiệp của mình với bạn bè quốc tế. Kỹ sư Việt sau quá trình phát triển năng lực tại Nhật có thể làm việc lâu dài tại đây hoặc trở thành người quản lý chi nhánh các công ty Nhật tại Việt Nam. Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, chia sẻ rằng mục tiêu của chương trình đào tạo và phái cử kỹ sư Việt Nam sang Nhật nhằm giúp đội ngũ kỹ sư trong nước nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi kỹ thuật, ngoại ngữ, tư duy, kỹ năng làm việc... Đồng thời, tận dụng cơ hội tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, chuyển giao văn hóa. "Mục tiêu chương trình hướng đến là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nam. Có cơ hội tiếp cận nền khoa học kỹ thuật tiên tiến của Nhật, chắc chắn họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt không chỉ cho các DN nước ngoài mà còn cho DN trong nước" - ông Sơn cho biết.
Cơ hội tốt cho Việt Nam
Đó là chia sẻ của ông Katsuaki Suga, Chủ tịch Hiệp hội Hợp tác lao động quốc tế IRO (Nhật Bản), với phóng viên Báo Người Lao Động. Ông Suga cho biết hiện Nhật Bản đang cần một lượng lớn lao động kỹ thuật trình độ cao đến từ Việt Nam và nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này để phái cử kỹ sư sang Nhật, đó chính là đội ngũ lao động có tay nghề cao cho công cuộc phát triển của Việt Nam sau này.
"Lý do mà chúng tôi ưu tiên tiếp nhận kỹ sư từ Việt Nam là vì người Việt rất thông minh, siêng năng và rất sáng tạo. Họ hòa nhập rất nhanh và ít có vi phạm kỷ luật trong lao động. Một lý do quan trọng nữa là khoảng cách địa lý và nét tương đồng văn hóa giữa hai nước cũng không quá lớn, giúp cho DN Nhật cảm thấy yên tâm hơn khi có nguồn lực nhân lực từ Việt Nam" - ông Suga bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Suga cũng chỉ ra nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập. DN Nhật cần thấy sự chuyên nghiệp, bài bản và thực hành nhiều hơn trong khung đào tạo kỹ sư tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Điều quan trọng nhất của một kỹ sư trình độ cao là kỹ năng xử lý công việc và sự tương tác với máy móc, công nghệ và team (nhóm) làm việc. "Chúng tôi đi khảo sát rất nhiều trường đại học của Việt Nam và nhận thấy kỹ sư của các bạn bị nhồi lý thuyết quá nhiều, không gian và thời gian cũng như máy móc thực hành còn quá ít, công nghệ lạc hậu" - ông Suga nói.
Ông Yuzo Sasaki, Giám đốc nguồn nhân lực Công ty TF-Metal, chia sẻ từ khi DN của ông được phép tuyển dụng kỹ sư đến từ Việt Nam, không khí làm việc trong công ty sôi nổi hẳn lên. "Các kỹ sư trẻ Việt Nam thổi một luồng sinh khí mới cho các DN Nhật Bản. Họ làm việc hăng say và rất vui vẻ, hòa đồng. Nhưng điều quan trọng nhất là đội ngũ kỹ sư này sau khi hoàn thành công việc tại Nhật, trở về Việt Nam thì họ chính là nguồn lực quan trọng để các DN Nhật yên tâm khi quyết định đầu tư vào Việt Nam" - ông Sasaki nói. Ông mong muốn Việt Nam có thêm nhiều đơn vị phái cử kỹ sư sang Nhật hoạt động chuyên nghiệp hơn để có thêm thật nhiều kỹ sư Việt sang Nhật làm việc.
Bình luận (0)