Ngày 23-2, tại TP HCM, Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP) đã tổ chức hội thảo "Giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân - lao động (CN-LĐ)". Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn khiến CN-LĐ thường xuyên có nhu cầu vay tiền để giải quyết những chuyện bức thiết trong cuộc sống. Tuy nhu cầu vay rất lớn nhưng CN-LĐ khó có thể đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục… theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng lớn. Đó chính là nguyên nhân khiến CN-LĐ tiếp cận các nguồn vốn vay không chính thức, trong đó có tín dụng đen.
Trượt dài với tín dụng đen
Chị N.T.N.O - CN một công ty ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khiến cả khán phòng lặng đi khi nghẹn ngào kể lại những tháng ngày sống trong địa ngục vì vướng vào tín dụng đen. Năm 2010, cha của chị không may bị tai nạn trong khi gia đình vô cùng khó khăn. Để có tiền chữa trị cho cha, chị phải vay nóng bên ngoài với lãi suất lên đến 45%/tháng. "Lãi mẹ đẻ lãi con, khi số nợ lên quá lớn, gia đình buộc phải bán nhà để trả nhưng vẫn không đủ. Bị giang hồ khủng bố nên cả nhà phải chuyển về Long An lánh tạm" - chị O kể.
Đang trong tình cảnh vô cùng bế tắc, chị được Công đoàn công ty giới thiệu tham gia chương trình hỗ trợ vốn của CEP. Nhờ được hướng dẫn sử dụng vốn đúng cách, chị từng bước thoát khỏi cảnh túng thiếu, cuộc sống dễ thở hơn.
Công nhân - lao động khó khăn nhận vốn vay từ Chi nhánh CEP Tân An (tỉnh Long An) .Ảnh: THANH NGA
Tương tự, anh N.H.H, CN một công ty tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM cũng bày tỏ sự cảm kích khi được CEP giúp thoát cảnh trượt dài với tín dụng đen. Sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn ở tỉnh Đồng Tháp, học xong THPT, anh H. lên TP HCM làm CN để đỡ đần cho gia đình.
Vài năm trước, gia đình ở quê làm ăn khó khăn, cha mẹ lại thường đau ốm nên có vay mượn tiền của hàng xóm để chữa trị. Lương CN của H. không thấm vào đâu so với số tiền cha mẹ đã vay mượn nên anh vay nóng 25 triệu đồng gửi về quê phụ giúp. Khi đó, anh H. cứ nghĩ lương của mình đủ khả năng trả nợ nên không quá lo lắng. Nhưng khi dịch COVID-19 ập đến, công việc, thu nhập của anh không ổn định nên không thể trả nợ.
Từ 25 triệu đồng tiền gốc, H. gánh khoản nợ hơn trăm triệu đồng trả mãi không dứt. Dịch bệnh được kiểm soát, đi làm trở lại, đối tượng cho vay đã uy hiếp, buộc H. phải đưa thẻ ATM để rút lương. Mỗi tháng, đối tượng cho vay tự ý rút của H. 7,5 triệu đồng tiền lương, chỉ để lại một ít để anh chi tiêu. Số tiền ít ỏi đó không đủ đóng tiền điện, nước nên H. phải làm thêm đủ thứ việc để có tiền trang trải cuộc sống.
"Những ngày tháng khủng khiếp đó cứ ám ảnh tôi cho đến khi biết đến CEP. May nhờ có CEP, tôi đã được cứu, không còn ám ảnh, hoang mang như lúc trước. Giờ tôi và vợ đã bình tâm trở lại, biết cân đối thu chi, biết tiết kiệm và có kế hoạch cho tương lai" - anh H. bộc bạch. Chị Oanh, anh H. chỉ là 2 trong số hàng ngàn nạn nhân của tín dụng đen đã được CEP hỗ trợ kịp thời, thoát khỏi khó khăn để ổn định cuộc sống.
Tăng tỉ lệ, số tiền cho vay
Ông Âu Lập Dân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hung Way (KCX Tân Thuận), cho biết CEP đã giúp CN-LĐ có vốn để giải quyết khó khăn, chữa bệnh, đóng học phí và trang trải các nhu cầu thiết yếu khác. Sau hơn 11 năm đồng hành, CEP đã trợ vốn cho 2.938 lượt CN-LĐ tại công ty với số tiền hơn 41 tỉ đồng. Ngoài vay vốn, CN-LĐ còn được thụ hưởng các chương trình phát triển cộng đồng khác của CEP như: Học bổng CEP, Mái nhà CEP... Ông Dân bày tỏ mong muốn CEP tăng tỉ lệ cho vay để CN-LĐ có vốn cải thiện đời sống.
Ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (tỉnh Bình Dương), đánh giá cao vai trò của CEP trong việc giúp CN tránh được rủi ro với tín dụng đen. "Tổng số lao động của công ty hơn 8.000 nhưng tỉ lệ tiếp cận vốn CEP chỉ mới 10%, do vậy, CEP cần nghiên cứu nâng tỉ lệ cho vay để có nhiều CN được thụ hưởng, góp phần triệt tiêu tín dụng đen" - ông Tuyền bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh từ cuối năm 2007 đến nay, CEP đã có 5 chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ hơn 615.000 lượt CNVC-LĐ vay vốn với số tiền trên 11.000 tỉ đồng. Các chương trình phát triển cộng đồng của CEP cũng đã hỗ trợ hơn 117.400 lượt CN-LĐ khó khăn với tổng số tiền hơn 29 tỉ đồng. Hoạt động của CEP rất hiệu quả, thiết thực, góp phần tích cực cùng Công đoàn tỉnh chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động và hạn chế tình trạng tín dụng đen.
"LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, có chiến lược phát triển hoạt động CEP và các quỹ trợ vốn của Công đoàn trở thành một giải pháp hiệu quả phòng chống tín dụng đen trong CN-LĐ và xem xét chính thức đưa nội dung này vào chương trình trọng tâm của Công đoàn các cấp trong nhiệm kỳ 2023 - 2028" - bà Như Ý đề xuất.
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Mở rộng phạm vi hoạt động của CEP
CEP cần phải bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động của mình để phát triển bền vững, góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ lợi ích của CN-LĐ. Đồng thời, bảo đảm nguồn vốn, dòng tiền được khai thác hiệu quả nhất với rủi ro thấp nhất. Ngoài mở rộng phạm vi phục vụ CN-LĐ có thu nhập thấp, CEP cần đa dạng sản phẩm, dịch vụ tín dụng - tiết kiệm, nâng cao khả năng tiếp cận, cung cấp dịch vụ, phát triển cộng đồng, hỗ trợ thiết thực cho CN-LĐ có thu nhập thấp.
Bình luận (0)