Phóng viên: Từ ngày 1-10, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động (NLĐ) nghèo tự tạo việc làm (viết tắt là Tổ chức Tài chính vi mô CEP) sẽ chính thức hoạt động. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tấn Đạt: Quỹ CEP là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận, được LĐLĐ TP HCM sáng lập và UBND TP ra quyết định thành lập vào ngày 2-11-1991. Qua hơn 25 năm hoạt động, CEP luôn kiên định với sứ mệnh mục tiêu là tham gia góp phần giảm nghèo trong công nhân lao động (CNLĐ) thông qua việc cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, tín dụng, tiết kiệm và các hoạt động phát triển cộng đồng cho NLĐ nghèo.
CEP hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô, có huy động tiết kiệm từ thành viên vay vốn; quy mô và phạm vi hoạt động lớn. Hiện nay, CEP phục vụ đoàn viên Công đoàn (CĐ), CNLĐ nghèo tại 9 tỉnh, thành phố. Với tính chất và quy mô hoạt động như vậy, CEP phải chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô chính thức, dưới sự giám sát của của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam), Nghị định 165/2007/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 28/2005/NĐ-CP), Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các quy định pháp luật khác liên quan.
Cùng với sự thay đổi về pháp lý, hoạt động của CEP sẽ đổi mới theo hướng nào?
- Về hình thức pháp lý, CEP chuyển từ tổ chức xã hội phi lợi nhuận sang tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên phi lợi nhuận, được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động.
Về nội dung hoạt động, CEP tiếp tục duy trì tất cả hoạt động như hiện nay, đồng thời được bổ sung chức năng nhận tiền gửi của các tổ chức và cá nhân không phải là khách hàng vay vốn. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp CEP phát triển nguồn vốn để mở rộng phục vụ đoàn viên CĐ, CN và NLĐ nghèo.
Nhân viên tín dụng CEP tư vấn cách thức vay vốn cho thành viên nghèo ở quận Tân Phú, TP HCM Ảnh: THANH NGA
Như vậy, CEP có còn tiếp tục hướng về người nghèo, đặc biệt là NLĐ nghèo như trước?
- Mục tiêu chuyển đổi là xây dựng và phát triển CEP thành tổ chức tài chính vi mô tuân thủ các quy định pháp luật; hoạt động an toàn, bền vững, tiếp tục mở rộng phục vụ đoàn viên CĐ, CNLĐ nghèo, người có thu nhập thấp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; góp phần tham gia xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh.
Do vậy, sau khi chuyển đổi, CEP vẫn tiếp tục duy trì là tổ chức phi lợi nhuận, tập trung phục vụ đoàn viên CĐ, CN và NLĐ nghèo.
Trong năm 2017, CEP đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm tín dụng, nhất là hoạt động trợ vốn cho CN. Đến nay, kết quả đạt được như thế nào?
- CEP đã rất nỗ lực mở rộng phục vụ CNLĐ nghèo suốt thời gian qua, đặc biệt là CN trong các KCX, KCN. Hiện nay, CEP phục vụ trên 316.000 thành viên vay vốn, trong đó 65% là CNLĐ và hộ gia đình của CNLĐ.
Chỗ dựa tin cậy
Từ ngày 1-10, Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP, trực thuộc LĐLĐ TP HCM) chính thức trở thành Tổ chức Tài chính vi mô CEP. Có thể nói, đây là bước chuyển mình mạnh mẽ của CEP - người bạn đồng hành của hàng trăm ngàn người nghèo suốt hàng chục năm qua.
Thập niên 1990, đời sống của đại bộ phận CNVC-LĐ TP HCM còn đầy khó khăn, tình trạng thất nghiệp rất nhiều. Việc LĐLĐ TP HCM cho ra đời CEP không nằm ngoài mục đích giúp CNVC-LĐ nghèo có thêm vốn làm ăn, cải thiện thu nhập. Không phụ lòng tin của tổ chức Công đoàn TP, CEP luôn là chỗ dựa tin cậy của người nghèo.
Qua 25 năm hoạt động với đầy khó khăn, thử thách, bằng nội lực, CEP không những bảo toàn mà còn liên tục phát triển được nguồn vốn, mở rộng hoạt động ra các tỉnh. Với tính minh bạch trong mọi hoạt động và trọng tâm giảm nghèo cao, CEP từng nước thu hút được sự quan tâm hỗ trợ của rất nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực phục vụ CNLĐ nghèo theo sứ mệnh, mục tiêu đề ra ban đầu.
Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 460 triệu đồng vào năm 1992, đến nay, quỹ đã phát triển được nguồn vốn trên 3.100 tỉ đồng. Qua hơn 25 năm hoạt động, CEP đã đưa đồng vốn đến tận tay 3 triệu lượt hộ CNLĐ nghèo. Tổng số thành viên đang được cung cấp tín dụng nhỏ là trên 316.000 CNLĐ nghèo với tổng dư nợ cho vay trong tay người lao động là 2.900 tỉ đồng. Trung bình hằng năm có khoảng 40.000 thành viên thoát nghèo và rời khỏi chương trình (chiếm 13% người vay). Điều này đã nói lên hiệu quả hoạt động của quỹ.
Ngoài những tác động tích cực giúp CNLĐ cải thiện đời sống gia đình, hàng chục năm qua, CEP còn góp phần thiết thực chăm lo cho các hộ dân nghèo. Trên 500.000 hộ gia đình nghèo đã được thụ hưởng các dịch vụ phát triển cộng đồng của quỹ. Các chương trình hướng về cộng động do quỹ khởi xướng như "Học bổng CEP", "Mái nhà CEP"… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho CNLĐ.
Có một chi tiết khá thú vị là trong số hàng trăm nhân viên tín dụng CEP, không ít người là con em của các thành viên. Rõ ràng, cách tiếp cận tinh tế cùng sự tận tâm của CEP không chỉ giúp người nghèo vươn lên mà còn hình thành nên một đội ngũ nhân viên cùng chung chí hướng phục vụ người nghèo. Nhận xét về sự lớn mạnh của CEP, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ: "Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, quỹ vẫn luôn kiên định mục tiêu phục vụ người nghèo và hết lòng phục vụ họ. Ở những nơi CEP bám rễ, người nghèo luôn tìm được chỗ dựa tin cậy, làm tiền đề vững chắc để thoát nghèo bền vững".
An Khánh
Bình luận (0)