Nhờ Quỹ CEP, gia đình chị Phạm Ngọc Kim Ngân (ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện
Bình Chánh - TPHCM) thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Ảnh: V.TÙNG
* Phóng viên: 19 năm, 4.500 tỉ đồng và hàng triệu người nghèo thoát khỏi khốn khó. Những con số đó nói lên điều gì, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân: Qua 19 năm thành lập và hoạt động, Quỹ CEP của tổ chức CĐ TPHCM đã tham gia tích cực vào việc tạo việc làm và giảm nghèo trong CNVC-LĐ và dân nghèo tại TPHCM cùng một số địa phương lân cận như Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Bình Dương... 4.500 tỉ đồng đã được phát vay đến hơn một triệu lượt người nghèo, giúp họ có một nguồn vốn đủ để tạo việc làm, xoay xở trong cuộc sống hằng ngày và tích lũy để vươn lên. Trong những ngày triển khai các hoạt động trợ vốn, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến biết bao cảnh đời khốn khó, cùng cực. Có người chỉ vì vay nóng bên ngoài 5 triệu đồng để làm đám tang cho cha mà sau đó, lãi mẹ đẻ lãi con đến nỗi phải bán nhà trừ nợ. Có người chỉ cần vài trăm ngàn đồng làm vốn buôn bán gánh cháo, hàng rau cũng phải vay tín dụng đen để rồi phận nghèo cứ nghèo mãi vì tiền làm ra không đủ để trả nợ... Trong bối cảnh đó, những cán bộ tín dụng đầy tâm huyết của CEP đã đến từng xóm nghèo, từng con hẻm sâu để thật sự mang lại cho họ niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
* Thông thường khi cho vay, các tổ chức tài chính, ngân hàng thường chọn biện pháp an toàn nhất là phải có tài sản thế chấp. Còn CEP thì ngược lại: Chọn đối tượng nghèo “không một xu dính túi”; đối tượng dễ bị tổn thương như lao động nữ bất hạnh, người sau cai thậm chí cả người có HIV/AIDS…
- Tôi nhớ giáo sư Muhammad Yunus, người sáng lập Grameen Bank, có lần đã nói: “Người nghèo là người trọng chữ tín”. Thực tế đã chứng minh điều đó. Đối với người nghèo, khi được giúp đỡ nguồn vốn bằng sự chân tình, họ sẽ vượt qua mặc cảm, tự tin vươn lên và có điều kiện khẳng định giá trị nhân cách của mình bằng việc giữ chữ tín. Nhưng một điều cũng quan trọng không kém là cách chúng ta cho vay, thu hồi vốn cũng như tạo lập ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng cho thành viên. Hiện CEP có nhiều thành viên gắn bó từ những ngày đầu thành lập, giờ họ đã trở thành những người chủ nhỏ, tạo việc làm cho mình, cho người thân và bà con chòm xóm. Có nơi cả cộng đồng đã vươn lên vượt nghèo, thoát nghèo sau nhiều năm cùng gắn bó với CEP.
* Vừa qua, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, đã trực tiếp đi thăm, khảo sát hoạt động cho vay của CEP và rất xúc động trước những cảnh đời khốn khó đã vươn lên…
- Đúng vậy, chúng tôi rất cảm kích sự quan tâm rất cụ thể của lãnh đạo NHNN Chi nhánh TPHCM. Đây là dịp lãnh đạo NHNN tiếp cận trực tiếp với hoạt động của CEP để hiểu rõ và có hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn mà sắp tới, CEP và các tổ chức tài chính vi mô khác sẽ gặp phải khi được cấp phép hoạt động theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP. Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM đánh giá cao hiệu quả hoạt động xóa nghèo của CEP và rất ủng hộ kiến nghị của Ban Thường vụ LĐLĐ TP về việc xem xét tháo gỡ các vấn đề liên quan đến quy định hạn chế lãi suất cho vay đối với các tổ chức tài chính vi mô.
* Cụ thể, đó là vấn đề gì?
- Sắp tới, hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô sẽ phụ thuộc vào mức lãi suất bị giới hạn theo Luật Dân sự; nghĩa là mức lãi suất cho vay không được quá 150% lãi suất cơ bản. Ví dụ, từ tháng 4-2009, lãi suất cơ bản là 7%, tương đương lãi suất cho vay tối đa là 10,5%. Nếu áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô thì mức lãi suất này quá thấp, không đủ trang trải chi phí hoạt động, phải thua lỗ, thậm chí không thể tiếp tục hoạt động.
* Vì sao lại như vậy? Có ý kiến cho rằng lãi suất của CEP và một số tổ chức tài chính vi mô hiện nay cao hơn ngân hàng rất nhiều…
- Đối tượng của CEP là người nghèo và nghèo nhất. Họ cần những khoản vốn rất nhỏ, chỉ một vài triệu đồng, để tạo việc làm như bán hàng rong, chăn nuôi gia cầm, may thêu, trồng rau... nhưng lại rất khó, thậm chí không thể tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức vì không có tài sản thế chấp. Do vậy, để bảo đảm khả năng hoàn trả và tạo dựng ý thức tiết kiệm cho thành viên, CEP phải chia các khoản thu hồi vốn, lãi và tiết kiệm thành những khoản rất nhỏ và phải thực hiện thường xuyên hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Có thể nói, các tổ chức tài chính vi mô phải quản lý một lượng lớn những giao dịch rất nhỏ, nhiều khi chỉ vài ngàn đồng một giao dịch nhưng cần phải phục vụ tận tay, tận nơi người lao động sinh sống, làm ăn nên chi phí rất cao. Ngược lại, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng chính thức thực hiện những giao dịch có giá trị lớn với số lượng giao dịch ít hơn rất nhiều và hầu hết tại ngay trụ sở. Tôi đơn cử một ví dụ: Năm 2008, tỉ lệ chi phí hoạt động/tổng tài sản của một trong những ngân hàng thương mại lớn ở TPHCM là 1,8% và chi phí hoạt động/tổng dư nợ cho vay là 2,5%; trong khi tỉ lệ tương ứng của CEP là 12,6% và 13,7%.
Vì vậy, mặc dù lãi suất hiệu quả của tổng dư nợ nguồn vốn cho vay của CEP trong năm 2008 là 24,8% (tương đương với lãi suất bình quân khoảng 1% bình quân/hằng tháng), lãi suất này vẫn không đủ bù đắp toàn bộ chi phí và CEP bị lỗ thực trong năm 2008. Hy vọng năm 2009 với tình hình kiểm soát lạm phát CEP sẽ trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động và bảo toàn nguồn vốn.
Bà Hoàng Vân cho biết CEP hoạt động theo mô hình tín dụng- tiết kiệm của Grameen Bank (ngân hàng cho người nghèo của |
Bình luận (0)